Cách đây vài ngày, một người được cho là làm trong ngành luật đã đăng một bức ảnh lên Weibo, thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc.
Một cô gái đeo kính và đeo tạp dề đứng trước quầy bán mì lạnh, thỉnh thoảng lật giở cuốn sách trên tay đọc nhẩm.
Trước quầy có dán dòng chữ: "Luật Sư bán mì lạnh", "Mua mì lạnh sẽ được tư vấn pháp luật miễn phí", "Tôi tự làm mì, tự xào ớt, tự muối các món ăn kèm và tự mình vượt qua kỳ kiểm tra pháp luật".
Dưới phần thực đơn có in hàng loạt món như: Mì lạnh (bán chạy nhất), canh mơ chua bí quyết gia truyền, thịt om, trứng kho, ngó sen muối, đậu khô.
Người đăng tải thở dài: "Bây giờ có luật sư nào còn làm những chuyện này không? Nói thật là ngành luật quả thực bị ảnh hưởng nặng nề. Ở nhiều nơi bị hạn chế, công tác vô cùng khó khăn. Mấy người bạn luật sư đang định giải tán công ty. Những luật sư ở độ tuổi trung niên, vào nghề lâu thì may ra có chút tiền tiết kiệm. Thời nay thực sự không dễ dàng với nhiều luật sư trẻ ".
Ở phần bình luận, có người đặt câu hỏi về việc làm của cô gái: "Có làm xấu hình ảnh luật sư không?".
Bình luận này lập tức bị phản bác: "Sắp chết đói hết rồi, ai mà cần hình tượng nữa? Xin phép được hỏi là hình tượng có ăn được không?".
Có người thở dài với tình hình công việc của giới trẻ hiện nay: "Ngành nghề ở thời buổi bây giờ cạnh tranh quá khốc liệt, nếu không có chỗ đứng hay quan hệ thì thật sự không thể khá lên nổi. Hàng trăm người giành lấy một vị trí, và 99 người còn lại chỉ có thể tìm một công việc khác".
Một số người ngưỡng mộ cô gái vì dám hạ cái tôi để mưu sinh:
"Dù thế nào đi nữa, có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân thì nghề nào cũng đáng trân trọng, ai làm việc chăm chỉ cũng đáng trân trọng".
Mặc dù không hiểu vì sao cô gái học chuyên ngành luật này lại chọn bán mì lạnh trên phố để tư vấn pháp luật. Nhưng có thể vượt qua khảo nghiệm luật chứng tỏ năng lực chuyên môn của cô không hề tầm thường, có thể dũng cảm trải nghiệm con đường mới. Tố chất tâm lý của cô mạnh mẽ và linh hoạt cũng đủ đánh bại rất nhiều người.
Đời người ai cũng có những "năm đói" và "năm no". Thứ bạn có được có thể là may mắn, thứ bạn mất đi không chỉ là kinh nghiệm.
Nhưng hiện tượng này dường như đã phơi bày thực trạng đáng xấu hổ mà giới trẻ ngại nói ra.
Theo số liệu do các bộ phận liên quan công bố, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm 2022 đã đạt con số đáng kinh ngạc là 10,76 triệu ở Trung Quốc. Mỗi một vị trí công việc đều đang được tranh giành khốc liệt bởi nhiều sinh viên với đủ loại năng lực. Đương nhiên, người giành được thì vui, người mất đi cơ hội thì thất vọng tràn trề. Nhóm người thất bại nhiều vô số kể và không phải ai cũng chấp nhận tìm hướng đi mới.
Thế hệ thanh niên thời nay sống quá khó khăn.
Gần đây, giám đốc điều hành của một công ty ở Thanh Đảo đã đăng một bài trên diễn đàn thuộc quản lý nội bộ:
"Hôm nay tôi phỏng vấn một sinh viên đại học. Cô đòi hỏi ở Thanh Đảo phải trả hơn 5.000 tệ tiền lương, yêu cầu cung cấp ký túc xá cho nhân viên, bao 3 bữa ăn.
Tôi chỉ hỏi một câu rằng cô hãy cho tôi lý do để công ty công nhận thực lực. Câu trả lời của cô sinh viên mới tốt nghiệp này khiến tôi bật cười.
Đó là, cử nhân luật của Đại học Nhân Dân. Tôi chỉ nghĩ, sinh viên đại học ngày nay thực sự không biết năng lực và giá trị của bản thân đến đâu".
Sinh viên luật tốt nghiệp Đại học Nhân Dân đòi hỏi mức lương hàng tháng 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng) là không hợp lý sao?
Bạn phải biết rằng Đại học Nhân Dân là một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Chuyên ngành luật của Đại học Nhân dân là một môn vô cùng khó và đòi hỏi năng lực cao ở Trung Quốc.
Vượt qua hàng trăm hàng nghìn người để vào đại học “khủng” Trung Quốc, nhưng lại bị nhà tuyển dụng chê cười vì đòi lương tháng 5.000 NDT. Điều này khiến người ta cảm thấy bất bình.
Một bạn sinh viên đã chụp bức ảnh bảng tuyển dụng của một công ty trong ngày hội việc làm ở trường.
Một đơn vị tuyển sinh viên thực tập, yêu cầu bằng cử nhân trở lên, địa điểm là Quảng Châu.
Bạn đoán xem tiền lương hàng tháng là bao nhiêu? 500-600 NDT/tháng (hơn 1,7-2 triệu đồng/tháng).
Một số chuyên gia đã đưa ra nhận định: Sinh viên đại học nên "trả phí để đi làm"!
Chuyên gia nói: "Hai vấn đề lớn của nền kinh tế năm 2022 là khó khăn trong việc tìm việc làm cho hàng chục triệu sinh viên đại học và khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ, vừa. Tôi mới nghĩ ra cách giải quyết hai vấn đề này. Thực ra rất đơn giản.
Bạn có thể bắt sinh viên đại học trả tiền để đi làm và sau đó công ty tăng cường đào tạo để thực tập sinh nhận được phần kinh nghiệm xứng đáng với số tiền bỏ ra. Bằng cách này, công ty sẽ có thêm nguồn tiền để vượt qua khó khăn, và sinh viên đại học có việc làm tích lũy kinh nghiệm. Vẹn cả đôi đường!".
Người được gọi là "chuyên gia" này có thể đang đùa cợt hoặc mỉa mai. Nhưng trên thực tế, không ít nhà tư bản thực sự nghĩ theo cách này.
Con đường kiếm tiền và bước chân vào xã hội thật sự quá khó khăn.
Bạn cạnh tranh với hàng ngàn sinh viên đại học và cuối cùng đã tìm được một công việc phù hợp với mức lương hàng tháng thấp. Thuê một căn phòng đơn nhỏ hẹp trong thành phố lớn. Cố gắng dành hơn một tiếng mỗi ngày để đi làm trên phương tiện công cộng.
Bữa sáng chẳng bao giờ dám xa xỉ, bánh mì thịt, đôi khi là cái bánh ngọt ở cửa hàng tiện lợi, hôm nào dư một chút thì miễn cưỡng thêm một ly cà phê sữa.
Giờ nghỉ trưa, chỉ có thể nằm trên bàn và dùng cánh tay làm gối, sau 15 phút thì cánh tay đau đến mức không thể nhấc lên được. 5-6 giờ chiều tan làm, không ai dám nghỉ về nhà phải dụi mắt mệt mỏi tiếp tục cắm mặt vào máy tính.
Buổi tối 12 giờ, đóng laptop, mỏi mệt leo lên giường, bởi vì chỉ có một đêm ngắn ngủi này mới thật sự là của bản thân.
Đôi khi bạn bối rối không biết hiện tại có thực sự yêu thích công việc mình đang làm không?
Vậy thì bạn phải suy nghĩ thật vì, bởi lẽ ở thời đại này, muốn tìm được một công việc tương đối ổn định không phải là điều dễ dàng, làm sao bạn có thể dám mong đợi nhiều hơn?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn