Từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm chè Suối Giàng đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao. Ngoài hững kênh thương mại truyền thống, sản phẩm chè Suối Giàng đã tìm được lối đi riêng, có mặt tại các khách sạn 5 sao, các buổi tiệc trà, các không gian văn hóa - du lịch…
Ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng (tỉnh Yên Bái) cho biết: Là một thương hiệu trà có lịch sử đến năm nay đã 50 năm, ngoài việc quảng bá, tiếp cận thị trường qua các kênh truyền thống, các thành viên trong hợp tác xã đã chủ động tiếp cận những thị trường mới, gia tăng trải nghiệm khách hàng và có mặt trên các kênh phân phối trực tuyến. Chứng nhận OCOP chính là cầu nối để sản phẩm không chỉ dừng lại ở tỉnh Yên Bái mà tiếp cận các Bộ, ban, ngành, tiếp cận Chính phủ và được giao nhiệm vụ, thực hiện các nghi lễ tiệc trà quốc gia. Những sản phẩm trà trên núi cao không chỉ được bày trên kệ nữa mà nó được đưa vào cả câu chuyện văn hóa và tham gia các hệ thống sàn thương mại điện tử quốc tế như là Alibaba.com và Amazon.
Không chỉ có chè Suối Giàng, mà hiện nay, trên khắp nước ta, nhờ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm – OCOP", nhiều sản phẩm vùng miền đang được chắp cánh vươn cao, vươn xa.
Tại Toạ đàm với chủ đề "Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP" do Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Sau 5 năm triển khai, số lượng các sản phẩm OCOP hiện nay đang phát triển rất nhanh. Tính đến giữa tháng 12/2023 đã có 11.054 sản phẩm OCOP. Trong số đó, có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao và gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao và đặc biệt là có 42 sản phẩm được chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và còn lại là các sản phẩm có tiềm năng 5 sao.
Chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã. Tất cả các sản phẩm OCOP thì đều đạt được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam như ISO, HACCP, GAP. Một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao đã đạt được những tiêu chuẩn của thị trường thế giới.
Về mặt thương mại, các sản phẩm OCOP giai đoạn đầu, chủ yếu tập trung tại các thị trường nội địa. Nhưng đến nay, nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường thế giới. Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các chuỗi và các hệ thống thương mại điện tử đã góp phần đưa được giá trị sản phẩm OCOP lan tỏa. Thông qua hệ thống các cửa hàng, các điểm bán hàng sản phẩm OCOP, hệ sinh thái các sản phẩm OCOP đã mang đến trải nghiệm cho du khách và người tiêu dùng.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới, các Bộ, ngành rất mong muốn tạo ra được đa kênh và phù hợp với từng dòng sản phẩm khác nhau, tạo ra những điểm cảm xúc để người tiêu dùng có thể hiểu biết hơn về sản phẩm và khi hiểu được thì nó sẽ có sự kết nối và tính trung thành của người tiêu dùng đối với sản phẩm sẽ được đảm bảo, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.
Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Công Thương với vai trò chủ trì đã triển khai nhiều hoạt động và đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: (i) xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước; (ii) tổ chức các Hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn