Do tập tục sống và cũng như truyền thống để lại, người Việt ta xưa coi hổ là chúa sơn lâm, là mãnh thú lớn nhất của rừng chứ không phải là sư tử, thành thử, từ lâu nay, những huyền thoại về hổ trong dân gian vẫn được truyền lại, càng về sau càng được đắp thêm những lớp sương khói của tháng năm.
Bởi hổ là đại diện cho sức mạnh cũng như cả sự huyền bí, nên từ xưa, dân gian đã kiêng gọi thẳng tên, mà gọi chệch là ông Hùm, ông Ba Mươi, ông Kễnh hoặc trịnh trọng hơn, là Ngài, là chúa Sơn lâm. Những câu chuyện về sức mạnh của hổ trong dân gian thì nhiều, đến mức mà người ta ví những gì tàn ác nhất với hổ. Chính vì thế, khi ví ai với hổ, có nghĩa là người ấy đã được nhân dân tôn sùng như một biểu tượng. Trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta, có một anh hùng được gọi là "Hùm thiêng Yên Thế", đó chính là cụ Hoàng Hoa Thám, hay còn gọi là cụ Đề Thám. Khởi nghĩa của cụ Đề Thám tuy thất bại, do nhiều lý do, nhưng nó đã làm rung chuyển nhà nước bảo hộ Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ, và khiến tên tuổi cụ còn mãi trong lòng những người Việt yêu nước.
Ngược dòng lịch sử, hẳn ai đi học cũng biết đến cuộc khởi nghĩa do anh hùng Phùng Hưng, người được mệnh danh là Bố Cái đại vương, lãnh đạo. Nhưng người anh hùng dân tộc được nhân dân tôn làm cha ấy, lại được biết đến nhiều hơn trong dân gian với tích đánh hổ. Cái cách mà vị anh hùng ấy đánh hổ không nhuốm màu huyền thoại và nhất là màu của tiểu thuyết như cách mà Hành Giả Võ Tòng tay không đấm chết hổ dữ, mà nó mang màu sắc hiện thực cũng như thể hiện sự mưu trí của người đứng đầu nghĩa quân hơn nhiều. Tích xưa kể lại là Phùng Hưng đã dày công tìm hiểu cách săn mồi của con hổ dữ, rồi ông trát bùn kín người đứng cạnh chỗ nó ăn mồi để nó không nghi ngờ gì, rồi vài ngày sau khi con hổ không nghi ngờ gì thì mới ra tay bất ngờ. Câu chuyện này đáng tin hơn là cách một người dùng tay không đánh hổ, là bởi theo khoa học bây giờ chứng minh, thì lực từ cú vả cũng như cú đớp của hổ so với người là lớn hơn gấp nhiều lần, và dù có say rượu đi nữa thì cũng khó lòng hạ thú dữ bằng tay không.
Vì hổ được coi là biểu tượng của quyền lực cũng như khí thiêng của núi rừng, nên người ngày xưa khi làm nhà, thường nhờ vẽ bức tranh hổ để trấn yểm ở dưới nền nhà. Theo quan niệm của người xưa, có khí thiêng của hổ, các loại ma quỷ sẽ sợ oai hùm mà không dám lảng vảng đến gần. Và cũng vì hổ được gắn với quyền lực, nên các bậc đế vương xưa hay tìm thế đất rồng chầu hổ phục để định đô, nhằm thể hiện uy quyền tuyệt đối của mình, và cũng là một cách để thu phục nhân tâm. Thực chất, thế đất rồng chầu hổ phục ấy ngoài việc thể hiện uy quyền của quân vương lại chứa đựng nhiều nguyên tắc phong thủy. Nếu như rồng chầu thể hiện cho hệ thống sông hồ thông suốt tiện cho giao thương cũng như phòng thủ thì hổ phục lại tượng trưng cho việc đất đai bằng phẳng lợi cho sinh hoạt cũng như làm nông nghiệp thời bấy giờ.
Từ con vật tượng trưng cho sức mạnh của quân vương, hổ dễ dàng đi vào đời sống dân gian. Từ những truyền thuyết về bạch hổ hóa thần rồi bảo vệ đời sống nhân dân đến cổ tích về sự trả ơn của loài hổ dữ vốn bị mặc định là tàn ác. Điều đặc biệt là nhân dân ta luôn có óc khôi hài, kính trọng thần hổ là vậy, nhưng vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về trí khôn của loài người, lừa trói hổ vào đốt để rồi sau này bộ da của hổ vằn đen, ấy là vệt của dây thừng còn sót lại cho đến ngày nay. Câu chuyện cổ tích này về mặt khoa học thì quá vô lý, nhưng nó thể hiện được tính trào lộng của người Việt cổ vốn không sợ trời, không sợ đất, nhưng lại rất biết cách sống hòa đồng với thiên nhiên và tôn trọng những quy luật thiên nhiên đến tột cùng.
Người Việt cổ cũng hay dùng hình ảnh con hổ trong ca dao và tục ngữ. Câu ca dao "Trời cho hùm chẳng có vây, Hùm mà có cánh hùm bay lên trời" là để chỉ rằng ai cũng sẽ có điểm yếu, có gót chân Asin. Hay như câu ca dao có phần chua xót hơn "Mèo tha miếng thịt xôn xao, Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi" là để nói về việc người ta luôn sợ kẻ mạnh và đè nén kẻ yếu hơn.
Ngày hôm nay, do môi trường sống của hổ bị thu hẹp dần, thành thử người ta cũng chỉ gặp hổ ở vườn bách thú là chính, chứ không còn thấy vẻ oai hùng của chúa sơn lâm ngoài đời thực. Chính vì vậy, những câu chuyện kể ở trên, dần dà cũng sẽ càng được phủ thêm lớp sương mù của huyền thoại, như cách mà người xưa đã từng làm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn