“Hình xăm” theo dõi sức khỏe

12:47 | 07/11/2017;
Một thiết bị siêu mỏng, siêu đàn hồi có thể tích hợp vào da sẽ là tương lai của các thiết bị theo dõi sức khỏe.

Trong tương lai, các thiết bị cảm biến sức khỏe cồng kềnh sẽ được thay thế bởi một thiết bị đeo siêu mỏng, có thể ghi dữ liệu qua da. Thiết bị này giống như một hình xăm và chắc chắn sẽ tạo cho người sử dụng cảm giác thoải mái đến mức như không hề dùng thiết bị nào.

da.jpg
Trong tương lai, các thiết bị cảm biến sức khỏe cồng kềnh sẽ được thay thế bởi một thiết bị đeo siêu mỏng, có thể ghi dữ liệu qua da.


Thực tế cho thấy, đa số các thiết bị điện tử dùng trên da là thiết bị được nhúng trong một chất giống như nhựa. Hạn chế của chất liệu này là cứng, khó di chuyển và khiến đổ mồ hôi. Do đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, Nhật Bản, phát minh ra thiết bị mới được xây dựng từ các mắt lưới nano có chứa chất liệu hòa tan trong nước, polyvinyl alcohol và một lớp vàng.

Tất cả các vật liệu này đều an toàn và tương thích sinh học, ngăn ngừa mồ hôi, không khí xung quanh da, không gây kích ứng. Hệ thống mới sử dụng một lưới làm bằng chất liệu được sử dụng trong kính áp tròng và sụn nhân tạo. Các nhà nghiên cứu sử dụng năng lượng điện để làm cho các sợi của vật liệu tích điện.

da2.jpg

Các sợi này giống như được phủ bằng vàng giúp cho tính dẫn điện cao hơn. Chỉ cần phun một lượng nước nhỏ là có thể giải thể các sợi nano PVA và cho phép nó dễ dàng dính vào da, phần tiếp xúc trên bề mặt da có thể thoải mái uốn cong.

Đặc biệt, polyvinyl alcohol sẽ biến mất, nhưng các sợi vàng vẫn còn nguyên và nó được sử dụng để cung cấp nguồn điện cho đèn LED hoặc truyền dữ liệu tới máy tính xách tay. Đã có 20 người được mời tham gia thử nghiệm thiết bị này trong vòng 1 tuần và không gặp phải bất cứ vấn đề gì, như ngứa, bị kích ứng hoặc viêm da...

dims.jpg
Thiết bị đeo tay siêu mỏng trông giống như một hình xăm và tạo ra cảm giác thoải mái đến mức người dùng không nhớ là mình đã đeo nó

Thiết bị cảm biến này có thể đeo để theo dõi sức khỏe của một người liên tục trong một thời gian dài. Đặc biệt là theo dõi nhịp tim và các tín hiệu sức khỏe quan trọng khác.

Đánh giá của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, vật liệu được sử dụng cho thiết bị, đặc biệt là dây dẫn nanomesh và cấu trúc lưới xốp thể hiện độ thẩm thấu của khí cao hơn so với các vật liệu khác. 

Trưởng nhóm nghiên cứu Takao Someya khẳng định: “Trong tương lai thiết bị này hoàn toàn có thể giám sát các dấu hiệu sức khỏe quan trọng của bệnh nhân mà không gây cho họ bất kỳ sự căng thẳng hay khó chịu nào”.


Các nhà nghiên cứu hoàn toàn lạc quan với thiết bị này, tuy nhiên họ cũng thẳng thắn thừa nhận thiết bị cảm biến tinh tế này có thể không đủ độ bền khi sử dụng lâu dài.

Dù có thể đánh bại các thiết bị cồng kềnh, xấu xí nhưng khi đặt điện cực lên da để theo dõi tín hiệu não hoặc nhịp tim trong phòng thí nghiệm thì vô cùng hiệu quả, còn nếu liên tục theo dõi các tín hiệu quan trọng ở nhà thì có vẻ không hợp lý lắm.

Rõ ràng, theo dõi sức khỏe là ưu tiên hàng đầu khi phát minh ra thiết bị này. Sắp tới, các nhà nghiên cứu sẽ đầu tư thêm thời gian để hoàn thiện công nghệ của thiết bị cũng như tìm phương án để khắc phục hạn chế về độ bền của thiết bị với mong muốn có thể tung ra một sản phẩm hoàn hảo cho người sử dụng.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn