Theo bà Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, phân bố người nhiễm HIV mới phát hiện trong 10 tháng đầu năm chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 36%, tại TP Hồ Chí Minh là 38%, tại Hà Nội chiếm 3%.
Đáng lưu ý, xu hướng trẻ hóa tăng nhanh. Đường lây truyền chính trong nhóm trẻ tuổi từ 19-30, chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Trong 10 tháng đầu năm 2022, có 167.022 bệnh nhân được điều trị thuốc kháng ARV, trong đó có 3.453 bệnh nhân trẻ em và 163.567 người lớn.
Trong những năm 1997-2000, tỷ lệ lây nhiễm HIV theo giới giảm dần nhưng đến năm 2015, số nam giới nhiễm HIV tăng hơn so với nữ. Đến tháng 3/2022, số ca nam giới mắc HIV chiếm 87,3%, tăng cao trở lại bằng những năm 1997.
Những năm 2010-2011, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục và máu có sự cân bằng nhau. Nhưng đến năm 2020-2021, đường lây qua máu giảm chỉ còn 12-13%, trong khi lây qua đường tình dục tăng từ 35% năm 2010 lên hơn 80% vào năm 2022.
Theo báo cáo mới nhất, ở nhóm người dưới 30 tuổi (những năm 2012-2013), tỷ lệ nhiễm HIV chỉ dưới 5% nhưng đến năm 2022, con số này tăng rất cao lên 50%. Đường lây chính trong nhóm trẻ 19-30 tuổi từ năm 2012 đến nay chủ yếu lây qua đường tình dục, lây đường mẹ sang con dần ít lại.
"Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Mới đây, trong chương trình giám sát trọng điểm cộng đồng MSM đã chọn 100 bạn nguy cơ ở nhiều tỉnh, thành phố thì phát hiện có 13 bạn nhiễm HIV. Như vậy, xu hướng nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm MSM. Ước tính trong phân bố nhóm đối tượng nhiễm mới HIV hàng năm giai đoạn 2000-2025, nhóm MSM sẽ có tỷ lệ tăng cao nhất", bà Thoa cho hay.
Năm 2022, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (MSM, NCMT) và còn xa so với mục tiêu Chấm dứt đại dịch AIDS.
Qua mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm mới như: xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm. Sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4.
Năm qua, Việt Nam tiếp tục duy trì và đổi mới điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho hơn 51.000 bệnh nhân đang điều trị thường xuyên. Năm 2022, Cục mở rộng việc cấp phát thuốc methadone về nhà cho 2.857 bệnh nhân tại 6 tỉnh, tới đây Cục HIV/AIDS sẽ mở rộng thêm ra nhiều tỉnh, thành phố khác.
Việc điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) triển khai tốt. Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Hiện có hơn 60.000 người sử dụng PrEP; tỷ lệ duy trì điều trị cao 72%.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong trại giam, trại tạm giam. Đến nay đã triển khai giám sát, điều trị cho người nhiễm HIV tại 31 trại giam và 35 trại tạm giam. Cục đã thực hiện xét nghiệm 22.250 lượt tại trại giam; 7.201 lượt tại trại tạm giam (1,5% dương tính), đồng thời đã đưa 3.525 bệnh nhân vào điều trị ARV; 1.200 bệnh nhân ARV được điều trị viêm gan C.
“Bệnh nhân nhiễm viêm gan C, đồng nhiễm HIV tỷ lệ tử vong tương đối cao. Bởi vậy, bệnh nhân đang điều trị ARV và Methadone được miễn phí thuốc điều trị và xét nghiệm chẩn đoán VGC.
Việc đưa bệnh nhân HIV vào điều trị viêm gan C cũng là điểm nhấn trong công tác phòng, chống HIV năm nay. Số bệnh nhân điều trị viêm gan C từ khoảng dưới 500 từ tháng 5/2021 tăng lên 16.052 trường hợp vào tháng 6/2022", bà Thoa nhấn mạnh.
Mặc dù tiếp tục ghi nhận thêm nhiều kết quả tích cực nhưng theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM. Việc can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn