Ho là một phản xạ giúp làm sạch đường thở khỏi vi trùng, chất nhầy và các chất bẩn như bụi và khói. Nhưng mặc dù ho rất mạnh (để bảo vệ đường thở và phổi của bạn khỏi các chất gây kích ứng), nhưng ho hiếm khi gây đau trừ khi có biến chứng sức khỏe khác. Vậy ho bị đau hông bên phải là do đâu?
Ho bị đau hông bên phải có thể do nhiều nguyên nhân, từ những nguyên nhân không đáng lo ngại đến những nguyên nhân nghiêm trọng hơn. Dưới đây là 5 lý do gây ho bị đau hông bên phải:
Ho bị đau hông bên phải có thể do bạn bị căng một trong các cơ liên sườn. Cơ liên sườn là cơ nằm trong lồng ngực. Gồm ba lớp cơ ngoài, trong và trong cùng, chúng kết hợp với nhau để lấp đầy khoảng trống giữa các xương sườn.
Chúng ta sử dụng các cơ này để di chuyển ngực, vì vậy khi thở hoặc ho, chúng ta sẽ sử dụng các cơ này. Khi các cơ này bị sử dụng quá mức, chúng ta gọi là căng cơ liên sườn.
Ho quá mạnh hoặc ho trong thời gian dài (như khi bị cảm lạnh hoặc viêm phế quản ) có thể gây viêm ở các cơ liên sườn, dẫn đến đau.
Căng cơ liên sườn sẽ gây đau và căng tức ở ngực hoặc xương sườn (có thể ở hông bên phải hoặc hông bên trái), có thể tăng cường độ khi cử động ngực, cánh tay và thân mình hoặc khi hít thở sâu hay ho. Căng cơ liên sườn nghiêm trọng hơn, có thể xảy ra tình trạng sưng hoặc bầm tím.
Tình trạng căng cơ liên sườn có thể được điều trị tại nhà bằng thuốc không kê đơn, chẳng hạn như Advil (ibuprofen) hoặc Tylenol (acetaminophen). Đồng thời, người bệnh nên:
- Để vùng cơ bị đau được nghỉ ngơi trong vòng 24 đến 48 giờ
- Đỡ vùng bị đau khi ho bằng cách ấn nhẹ vào hông bằng một chiếc gối nhỏ
- Sử dụng túi chườm đá trong 10 đến 15 phút, 2 lần/ngày.
Viêm ở lớp niêm mạc phổi (màng phổi) thường gây ra cơn đau nhói ở ngực, có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn hít vào sâu, ho hoặc hắt hơi. Viêm màng phổi cũng có thể gây đau ở cả hai bên hông nhưng triệu chứng điển hình là đau nhói ở một bên ngực, sốt, ớn lạnh, chán ăn.
Viêm màng phổi thường do các bệnh nhiễm trùng như:
- Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp
- Cục máu đông
- Covid-19
- Cúm
- Nhiễm trùng nấm
- Ung thư phổi
- Viêm phổi
- Bệnh lao
Để điều trị viêm màng phổi, bước đầu tiên là giải quyết nguyên nhân cơ bản, ví dụ như dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng vi-rút nếu đó là nhiễm trùng. Thuốc chống viêm cũng có thể được dùng và nếu có quá nhiều dịch trong phổi, điều quan trọng là phải dẫn lưu dịch để ngăn ngừa khó thở. Các phương pháp điều trị sẽ tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Ho bị đau hông bên phải cũng có thể do viêm ruột thừa. Khi ruột thừa (ống mỏng tạo thành một phần của đường tiêu hóa) bị viêm - được gọi là viêm ruột thừa - bạn có thể bị đau bụng dữ dội, đau hơn khi ho, hắt hơi hoặc tập thể dục.
Bạn có thể nhận biết viêm ruột thừa một phần thông qua vị trí đau bên hông. Đau viêm ruột thừa thường gặp nhất ở vùng bụng dưới bên phải, thường bắt đầu quanh rốn rồi di chuyển sang bên phải.
Các triệu chứng khác của bệnh viêm ruột thừa cần lưu ý bao gồm:
- Sưng bụng và đầy hơi
- Táo bón
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Tiêu chảy
- Sốt
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Viêm ruột thừa rất nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị sớm. Do vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ trên, bạn nên đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Thoát vị xảy ra khi một phần bên trong cơ thể, thường là ruột đẩy qua điểm yếu ở cơ bụng hoặc thành mô xung quanh. Điều này có thể gây ra một vết phồng ở bụng hoặc vùng bẹn. Ho gây thêm áp lực lên bụng của bạn, từ đó có thể khiến thoát vị của bạn "nhô ra" hoặc đè qua thành cơ và làm tăng cơn đau. Cơn đau thoát vị có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn chạy, nâng vật nặng hoặc rặn khi đi tiêu.
Thoát vị có thể trở nên nguy hiểm nếu không thể đẩy vào trong hoặc nếu không có lưu lượng máu đến thoát vị, đây là trường hợp khẩn cấp cần phẫu thuật ngay lập tức. Nhưng không phải thoát vị lúc nào cũng là tình huống đe dọa tính mạng; không phải mọi thoát vị đều cần phẫu thuật hoặc thậm chí là điều trị.
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của thoát vị, mức độ khó chịu hoặc đau đớn và liệu có thể dùng tay để đưa ruột trở lại đúng vị trí của nó hay không. Trong mọi trường hợp, thoát vị nên được bác sĩ đánh giá từ bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.
Hội chứng trượt xương sườn xảy ra khi một hoặc nhiều xương sườn dưới bị thương và "trượt" ra khỏi vị trí thông thường của chúng. Tình trạng này thường xảy ra với xương sườn từ 8 đến 10. Những xương sườn này được coi là xương sườn "giả" vì chúng không được kết nối với xương ức hoặc xương ngực.
Nguyên nhân gây ra tình trạng trật khớp này có thể là do chấn thương trực tiếp khi chơi thể thao hoặc bị ngã, hoặc do chấn thương gián tiếp như vặn mình sai cách.
Khi mắc hội chứng trượt xương sườn, khi ho bạn có thể bị đau hông bên phải hoặc bên trái vì những xương sườn đặc biệt này được kết nối với cột sống chứ không phải xương ức. Những xương sườn này quấn quanh từ sau ra trước, dẫn đến đau bên hông. Ho có thể tạo ra áp lực tăng lên trong khoang ngực, có thể dẫn đến chuyển động xa hơn của những xương sườn này.
Hội chứng này cũng có thể xảy ra do ho kéo dài hoặc rất dữ dội, đôi khi có thể bắt nguồn từ sự kích thích các dây thần kinh liên sườn nằm cạnh các xương sườn này.
Khi mắc hội chứng trượt xương sườn, mọi người nên giảm vận động để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng, chườm đá và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là những nguyên nhân gây ho bị đau hông bên phải và cách điều trị. Nếu bạn cảm thấy tình trạng ho bị đau hông bên phải hoặc bên trái kéo dài không thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn