Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm mục đích tống thải các tác nhân kích ứng từ bên trong ra ngoài, chẳng hạn như chất nhầy, đờm. Ho có đờm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhiễm virus tới các vấn đề mãn tính về phổi hay tim. Không phải tất cả các nguyên nhân khiến một người bị ho có đờm đều gây ra các triệu chứng bổ sung.
Theo Medical News Today, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến một người bị ho có đờm cùng cách đối phó mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng, các thông tin dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ.
- Nhiễm trùng đường hô hấp
Ho có đờm và tăng tiết chất nhầy là các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường hô hấp trên. Ho có đờm lúc này có thể kèm theo đau họng, sổ mũi hoặc sốt. Đôi khi nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi cũng gây ra các triệu chứng này nhưng kéo dài hơn.
Hầu hết các nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ tự khỏi còn nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể cần phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh.
- Các yếu tố môi trường
Tiếp xúc với một số chất kích thích, chẳng hạn như khói và bụi có thể khiến đường thở bị kích ứng. Sự kích ứng này có thể gây ra ho có đờm.
Việc tránh xa các yếu tố gây kích ứng và bảo vệ đường hô hấp đúng cách sẽ giúp ho có đờm thuyên giảm.
- Bệnh phổi
Một số bệnh về phổi, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể khiến người bệnh bị ho dai dẳng và có nhiều đờm.
Các triệu chứng bệnh phổi khác có thể gặp bao gồm: Thở hụt hơi, thở khò khè, đau ngực, ho ra máu.
Điều trị bệnh phổi sẽ tùy thuộc vào loại bệnh mà bạn gặp phải. Điều trị đúng bệnh sẽ giúp tình trạng ho có đờm giảm nhẹ hoặc được kiểm soát tốt hơn. Chẳng hạn với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người bệnh có thể cần phải dùng thuốc hít, các biện pháp phục hồi chức năng phổi hoặc thậm chí là phẫu thuật nếu cần thiết.
- Suy tim
Suy tim là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hoặc rối loạn tại tim khiến tim không thực hiện được chức năng bơm máu đi khắp cơ thể.
Các triệu chứng của suy tim bao gồm: Khó thở, mệt mỏi, ho mãn tính và có thể nặng hơn vào ban đêm, thở khò khè, đờm màu trắng hoặc hồng (do lẫn máu), mắt cá chân hoặc chân phù nề, buồn nôn và giảm cảm giác thèm ăn, mất phương hướng, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, cảm giác đầy hơi, ngất xỉu,...
Suy tim là một tình trạng sức khỏe cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Các lựa chọn y tế dài hạn khác sau đó bao gồm: Thay đổi lối sống lành mạnh hơn, thường xuyên vận động và ăn uống cân bằng; sử dụng thuốc kiểm soát các yếu tố có thể dẫn tới suy tim tái phát như thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chẹn beta; cấy máy khử rung tim; phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc nong mạch vành;...
- Trào ngược họng thanh quản (Laryngopharyngeal reflux - LPR)
Là tình trạng axit dịch vị và pepsin tại dạ dày bị trào ngược lên vùng thanh quản, họng, thực quản hay một số cơ quan hô hấp trên như khoang mũi do rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới và cơ thắt thực quản trên.
Triệu chứng LPR có thể gặp là ợ nóng, chảy dịch mũi sau, thường xuyên phải hắng giọng, ho, cảm thấy có cục u vướng ở cổ họng, tăng tiết chất nhầy.
Để đối phó với chứng trào ngược họng thanh quản, bác sĩ có thể đề nghị bạn học cách thay đổi lối sống như ngừng hút thuốc và tránh các thực phẩm có thể kích hoạt cơn ợ nóng hay đầy bụng. Thuốc điều trị có thể là thuốc kháng axit giúp giảm chứng ợ nóng khó chịu.
- Dị ứng
Viêm mũi dị ứng có thể gây ra các triệu chứng tương tự với cảm lạnh như ho khan, ho có đờm do chảy dịch mũi sau khiến chất nhầy dư thừa chảy xuống họng, hắt hơi, sổ mũi.
Phương pháp điều trị chính của dị ứng là xác định và tránh xa các dị nguyên gây dị ứng. Thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi hoặc corticosteroid mũi có thể cần thiết để giúp giảm nhẹ các triệu chứng do dị ứng gây ra.
- Ho có đờm có phải là dấu hiệu ung thư phổi?
Ung thư phổi là một loại ung thư khó được chẩn đoán ở giai đoạn sớm cho tới khi các triệu chứng xuất hiện rầm rộ do tế bào ung thư lan rộng. Dù ung thư phổi không phải là nguyên nhân phổ biến gây ho có đờm nhưng một số người có thể gặp phải triệu chứng ho có đờm ở giai đoạn sớm mà không phải do cúm, cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Ho có đờm có thể có lẫn máu.
Các triệu chứng ung thư phổi có thể bao gồm: Ho kéo dài; đau tức ngực khi cười, khi hít thở sâu hoặc khi ho; khàn giọng; giảm cảm giác thèm ăn; khó thở; mệt mỏi nghiêm trọng; nhiễm trùng đường hô hấp liên tục và dễ tái phát; thở khò khè.
Màu sắc của đờm có thể chỉ ra một số nguyên nhân bệnh nhưng không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ. Đờm có nhiều màu sắc khác nhau, chẳng hạn như đờm trong, đờm vàng, đờm đục, đờm nâu, đờm xanh lá hoặc đờm màu gỉ sắt.
Trong đó, các bệnh về phổi không liên quan tới nhiễm trùng như hen suyễn hoặc khí phế thũng có xu hướng khiến đờm có màu trắng trong. Nhưng nếu người bệnh có thói quen hút thuốc thì đờm có thể có màu nâu hoặc đen.
Đờm có màu xanh thường liên quan tới nhiễm trùng như viêm phổi. Viêm phổi cũng có thể khiến đờm có màu vàng hoặc có lẫn máu.
Đờm màu hồng hoặc màu gỉ sắt là do có lẫn máu, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế nghiêm trọng như bệnh lao hoặc áp xe.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ho có đờm là gì mà biện pháp điều trị cũng có sự khác biệt. Thay vì ức chế cơn ho thì các phương pháp chữa ho có đờm thường tập trung vào việc cải thiện hiệu quả ho, giúp "dọn sạch" đường thở và giảm kích ứng liên quan phía sau cổ họng.
Thuốc kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định nếu ho có đờm là do vi khuẩn và người bệnh cần theo hết phác đồ kháng sinh để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, ngay cả khi các triệu chứng bệnh cải thiện trước khi dùng hết kháng sinh.
Hầu hết các cơn ho sẽ tự khỏi trong vòng 4 tuần. Tuy nhiên cần nhớ rằng, thời gian ho của một người sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng sức khỏe và tỷ lệ đáp ứng điều trị.
Trong trường hợp ho có đờm dai dẳng kéo dài, đặc biệt bị ho ra máu, đờm có mùi hôi khó chịu, sưng phù mắt cá chân và bàn chân, sốt hoặc ớn lạnh khó chịu, da hoặc móng tay nhợt nhạt, thở khó, lú lẫn hoặc mất ý thức, đau tức ngực thì bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ sớm để được can thiệp.
Để chẩn đoán ho có đờm do đâu, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng ho có đờm kéo dài bao lâu, điều gì khiến cơn ho tăng nặng hơn hoặc giảm nhẹ đi, đờm có màu sắc và kết cấu như thế nào, bệnh nhân có tiền sử bệnh hay không,.. Tùy từng tình trạng mà các xét nghiệm khác có thể được chỉ định thêm như nội soi đường tiêu hóa trên, xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm, chụp phổi,...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn