Chúng tôi tới Tây Ninh vào một ngày cuối tuần của tháng 6. Khi tiết trời Sài Gòn có phần nắng gắt thì càng tới gần hồ Dầu Tiếng, cái nắng nóng dịu đi rất nhanh, thay vào đó là rừng cao su bạt ngàn chạy dài yên ả 2 bên đường đi. Sự náo nhiệt, ồn ào nơi thành phố cũng xa dần. Ngay phía trước mắt chúng tôi là trung tâm khu du lịch Dầu Tiếng từng hút đồng khách Sài Gòn và các tỉnh lân cận thì hôm nay lại vắng hoe.
Con đường đỗ ô tô vắng vẻ, không có hàng xe ô tô nối dài cả cây số như mọi khi. Những chiếc lều lợp ngói lá lác đác nhóm khách nhỏ. Thường thì mỗi chiếc lều như thế có 2 - 3 bàn để khách ngồi thưởng ngoạn món ăn, ngắm hồ và hít thở không khí trong lành. Nhưng vào dịp vắng khách, mỗi lều chỉ có một nhóm khách nhỏ, còn những bộ bàn ghế bên cạnh đều trống trơn. Người phụ nữ phục vụ bàn cười đon đả: "Các anh chị cứ gọi món để chúng em bắt đầu làm. Từ ngày có dịch đến nay, khách vẫn thưa vắng lắm, nên chỉ khi nào khách kêu món, chúng em mới bắt tay vào chế biến theo yêu cầu. Vì vậy, quý khách tranh thủ ngắm hồ, vì đợi món chế biến hơi lâu chút".
Chị Tần, nhân viên phục vụ tại đây, cho biết: "Trước kia, vào ngày cuối tuần, chúng em phục vụ khách chóng mặt. Lượng khách đôn, nên nhiều lúc bàn ghế, lán lều không đủ, phải trải bạt, chiếu cho khách ăn uống, vui chơi. Từ sau mùa dịch, khách chỉ đến lác đác theo đoàn nhỏ. Chủ yếu họ đi lễ ở Dinh Cậu hoặc núi Bà Đen thì ghé qua hồ Dầu Tiếng thưởng thức đặc sản cá lăng. Còn ngày thường thì vắng hơn, thành ra, khu này đã hoang sơ nay lại càng vắng hơn".
Chị Diệp Minh ở Bình Dương thường cho các con đi nghỉ cuối tuần tại hồ Dầu Tiếng tỏ vẻ tiếc nuối, bởi cổng chính vào khu du lịch hồ Dầu Tiếng vẫn đóng cửa im lìm. Vì thế, khu nghỉ dưỡng chính của hồ Dầu Tiếng cũng nghỉ tiếp khách.
Theo chị Diệp Minh, nếu đi vào bằng cổng chính, du khách sẽ vào xem được đập lớn rất đẹp và khu nghỉ dưỡng mát lành bậc nhất. Nơi này có những hàng cây cổ thụ rất cao, thân cây hơn to hơn 1 vòng tay người ôm, tạo nên sự huyền bí cho nơi nghỉ dưỡng của vùng hồ. Chỉ cần đứng ở khu nghỉ dưỡng, mở cửa sổ phóng tầm mắt ra hồ Dầu Tiếng, sẽ thấy xa xa là núi Bà Đen ở Tây Ninh uy nghi ẩn hiện trong mây. Sát mép hồ là những tảng đá lớn nhỏ, xếp chồng lên nhau tạo nên các hình khối rất bắt mắt, chính là nơi check-in tuyệt vời cho du khách.
Vốn là điểm du lịch nổi tiếng
Sau khi đã tham quan, vãn cảnh hoang sơ, trữ tình của nơi này, sau khi thưởng thức các loại lẩu, cá lăng chiên, nướng, hấp…, bạn có thể ra bờ hồ Dầu Tiếng để bơi, vì bãi cát ngay bờ hồ rất thoải, dài và rộng. Sóng nước lăn tăn đủ để người lớn, trẻ em vui vầy với làn nước mát lành, trong xanh vời vợi.
Hồ Dầu Tiếng là 1 địa điểm thích hợp cho chuyến đi du lịch bụi 1 ngày với người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Phong cảnh ở đây đẹp nên thơ, nhiều hoạt động thú vị như đi rừng, leo núi, tắm hồ, ăn uống mà không mất vé vào cổng hay tốn thêm quá nhiều chi phí khác.
Đến đây, bạn sẽ được hòa vào không gian bao la rộng lớn, không khí thoáng mát và vô cùng trong lành, rất thích hợp cho hoạt động cắm trại, tổ chức picnic vào mùa hè, giúp con người gần gũi với thiên nhiên hơn. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, phẳng lặng, ven hồ là những thảm cỏ mượt mà, những vạt hoa khoe sắc thắm.
Bên bờ hồ là khu du lịch Hồ Dầu Tiếng với các dịch vụ chở người bằng cano ra đảo. Du khách có thể đi mất khoảng 20 phút trên cano để ra tới đảo, cùng với đó là trải nghiệm ngắm cảnh một bên là biển xanh ngắt, một bên là đồi núi hùng vĩ. Bạn cũng có thể thuê thuyền nhỏ của người dân địa phương để dạo chơi trên hồ và thử tài câu cá tại đây.
Giữa lòng hồ mênh mông có các ốc đảo tự nhiên tuyệt đẹp với các cái tên dân dã như đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò…. Không gian trên đảo còn khá hoang sơ trong lành, tạo cảm giác thư giãn, giúp bạn lãng quên mọi muộn phiền nơi phố thị.
Khi đến hồ Dầu Tiếng, các bạn đừng quên đến thăm ngọn núi Cậu, nơi có ngôi chùa Thái Sơn bề thế và thảm rừng trúc mọc dày trên những triền đá muôn hình vạn trạng. Men theo đường mòn rợp bóng, qua thêm hàng trăm bậc đá là tới đỉnh núi Cậu, mở ra trước mắt bạn sẽ là toàn cảnh hồ vô cùng nên thơ, xa xa có ngọn núi Bà Đen nổi tiếng vươn cao hùng vĩ.
Ngoài ra, vào mùa mưa, gần dưới chân núi Cậu còn xuất hiện dòng suối Trúc trong veo, chảy tràn qua những ghềnh đá, hai bên phủ xanh rừng trúc… tạo nên cảnh quan thơ mộng, lý tưởng cho chuyến picnic cùng bạn bè và thỏa thích đắm mình trong làn nước mát để tắm và bắt cá.
Khu du lịch hồ Dầu Tiếng hiện vẫn còn khá hoang sơ nên khi đến đây, bạn phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, lều bạt… để có một chuyến đi thực sự hoàn hảo.
Thời điểm thích hợp nhất để tới Dầu Tiếng chính là vào các tháng mùa hè. Thời gian này tuy khá khô nóng nhưng đến khu vực hồ thời tiết luôn mát mẻ, không khí trong lành, tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu vô cùng cho du khách trong kỳ nghỉ dưỡng cuối tuần.
Hồ Dầu Tiếng là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc điều phối nước sông Sài Gòn, kênh phía Đông và phía Tây. Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985 sau hơn 4 năm thi công. Ngoài cung cấp nước cho sông Sài Gòn, tưới nước cho hơn 93.000 ha đất nông nghiệp của Tây Ninh cũng như các tỉnh/thành lân cận: Long An, TPHCM, hồ còn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp các vùng phụ cận.
Cảnh quan hai bên bờ thơ mộng lại thêm mặt hồ trải dài trên một diện tích lên tới 27.000 ha tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Với diện tích lớn như vậy, hồ Dầu Tiếng còn được gọi là "biển hồ" của Tây Ninh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn