Đa phần bệnh nhân ở thành phố
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, bệnh nhi trên tử vong vì suy hô hấp nặng, có liên quan đến mắc ho gà. Trước đó, Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Bạch Mai, từng tiếp nhận nhiều trẻ mắc ho gà. Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp vì ho, biến chứng viêm phổi, nhiều trẻ phải thở máy. Theo thống kê của các bệnh viện này, đa phần trẻ mắc ho gà ở thành phố. Điểm chung nữa là hầu hết bệnh nhi ho gà chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ mũi. Riêng trường hợp trẻ ở Hà Nội tử vong là chưa được tiêm mũi nào trong các mũi vaccine phòng bệnh ho gà.
Đa phần trẻ bị ho gà ở thành phố, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine
Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, tỉ lệ trẻ ở một số thành phố tiêm vaccine đúng đổ tuổi chưa cao. Nguyên nhân một phần là do cha mẹ vẫn có tâm lý sợ vaccine hoặc không nhớ lịch tiêm cho con, thậm chí còn nghĩ rằng “vaccine tiêm lúc nào cũng được”. Đây là quan niệm sai lầm, vì các loại vaccine thường có chỉ định tiêm ở độ tuổi nhất định. Lý do là trong thời gian đó, trẻ dễ mắc các bệnh mà vaccine được chỉ định tiêm có thể phòng được nhất. Do suy nghĩ trên của người lớn nên không ít trẻ ở nhiều đô thị lớn mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thậm chí tử vong, vì không được tiêm vaccine. Trong khi đó, nếu được tiêm, trẻ sẽ có miễn dịch để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo dõi sát sao cơn ho
Theo TS Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, ho gà là bệnh mà Việt Nam chưa thanh toán, chưa loại trừ được, vì thế, người dân không nên chủ quan. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh này dễ lây lan qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, ôm hôn..); khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh.
Trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình chủ quan tự mua thuốc về cho con uống. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc ho gà nhập viện trong tình trạng ho nặng, suy hô hấp. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan, khi thấy trẻ bị chảy nước mũi, ho nhẹ (thường ho về đêm), sau đó trẻ ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa, mệt mỏi, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Bởi bệnh dễ gây biến chứng nặng, tử vong do bệnh nhi bị bội nhiễm, viêm phổi, viêm phế quản-phổi, viêm não, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Bệnh ho gà có thể phòng và tránh bằng cách tiên vaccine và điều trị sớm
Ho gà là bệnh nguy hiểm nhưng hiện phần lớn trẻ mắc bệnh này được điều trị khỏi, nếu đưa đến bệnh sớm. Hơn nữa, bệnh có thể phòng được. Một trong những biện pháp phòng ho gà hiệu quả nhất là tiêm vaccine. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 và 1 mũi tiêm nhắc lại để phòng bệnh này. Thời gian tiêm tốt nhất là tiêm mũi 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi (sau 2 tháng tuổi, trẻ có nguy cơ cao mắc ho gà, vì kháng thể phòng bệnh ho gà mẹ truyền cho con bắt đầu hết), mũi 2 khi 3 tháng, mũi 3 khi 4 tháng và trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi. Ngoài ra, cần tránh để tiếp xúc với những trường hợp nghi ngờ mắc ho gà; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; giữ vệ sinh nơi ở.