Họ hàng ở quê xúm vào bắt tôi rửa bát đĩa 19 mâm cỗ, mẹ chồng đứng lên nói mấy câu khiến tôi nghẹn ngào

18:27 | 04/05/2024;
Thấy tôi bị bắt nạt, mẹ chồng đã một mình “đấu khẩu” với cả họ để bảo vệ con dâu.

Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên mẹ chồng đón tôi vào cửa, bà hàng xóm đối diện nói vọng sang rõ to: “Dâu mới trông xấu gái thế!”. Mẹ chồng tôi điềm tĩnh mang nắm muối ra rắc và cười bảo bà hàng xóm: “Cô về bón cơm cho thằng con 40 tuổi ế vợ đi kìa, cháu thấy nó kêu đói nãy giờ đấy”.

Về sau tôi mới biết bà hàng xóm đó chuyên chọc ngoáy gia đình chồng mình. Song hơn 20 năm sống gần nhau bà ấy chưa từng cãi thắng mẹ chồng tôi lần nào cả. Mọi người xung quanh kể là mẹ chồng tôi không bao giờ chửi bậy, không bao giờ gây sự động chân tay với ai. Chỉ với tài ăn nói sắc sảo thôi mà mẹ chồng dẹp yên bao nhiêu miệng lưỡi bên ngoài, còn khiến người ta nể phục vì sự khéo léo.

Mẹ chồng không bắt tôi làm gì nhưng cũng không tỏ ra quá chiều chuộng. Mẹ bảo tôi muốn làm gì thì làm, cơm nước dọn dẹp thích phụ mẹ thì cứ chủ động. Còn không thì quan điểm của mẹ là con dâu không phải osin, chẳng ai có quyền bắt ép tôi phải làm gì hết.

Mẹ chồng nói vậy xong tôi rất kính phục. Bảo sao gia đình chồng hòa thuận vui vẻ như thế, tất cả là nhờ tài đối nhân xử thế khéo léo của mẹ. Chiêu lạt mềm buộc chặt của mẹ chồng tôi chưa bao giờ thất bại. Việc gì bà cũng dùng sự mềm mỏng để ứng biến chứ không cứng rắn áp đặt, thành ra mọi người trong nhà đều thoải mái nghe theo.

Sống với mẹ chồng 4 tháng thôi mà tôi học được vô số thứ hữu ích. Mẹ dạy tôi các mẹo làm bếp nhanh gọn, mẹo dọn dẹp sạch sẽ tiết kiệm thời gian. Cả chuyện cân đối chi tiêu mẹ cũng chia sẻ với tôi rất thú vị, giúp tôi ngộ ra cách dùng tiền bạc hợp lý.

Sang ngoại chơi tôi toàn kể về mẹ chồng. Khen nhiều đến nỗi mẹ ruột phải than “Không biết ai mới là người đẻ ra con bé này nhỉ”. Tuy giọng mẹ hơi dỗi nhưng tôi biết bà mừng ở trong lòng, vì con gái đã được gả đúng chỗ.

Được mẹ chồng thương yêu theo cách riêng nên tôi cũng luôn chú ý cư xử phải phép. Chưa khi nào 2 mẹ con gặp chuyện phải tranh cãi, song mẹ chồng hay góp ý khi thấy tôi nóng nảy với người ngoài.

Công việc của tôi là bán hàng online nên thường xuyên phải trả lời khách trên mạng. Ai làm nghề này cũng biết không tránh được sự cố xảy ra. Nếu không phải là hàng hóa ship đi có vấn đề thì là khách gây sự với mình vô lý. Khách phản hồi đúng thì tôi nhận lỗi ngay, sẵn sàng bù đổi hàng mới cho khách. Song nhiều ca khách hãm không chịu được, cứ nợ tiền mãi không trả hoặc kiếm cớ chửi bới nọ kia làm tôi phải tăng xông.

Những lúc như vậy mẹ chồng thường đem cho tôi cốc trà mát rồi bảo kể mẹ nghe đầu đuôi câu chuyện. Kể xong tôi cũng dần bình tĩnh lại, gặp tình huống khó xử còn được mẹ chồng chỉ cho cách giải quyết. Thế là việc làm ăn của tôi suôn sẻ hơn, lấy được cảm tình khách và tôi cũng bớt khó chịu khi bán hàng.

Họ hàng ở quê xúm vào bắt tôi rửa 19 mâm giỗ, mẹ chồng đứng lên nói mấy câu khiến tôi nghẹn ngào- Ảnh 1.

Đợt rồi tiện kỳ nghỉ lễ dài trùng với giỗ cụ ở quê nên tôi theo cả nhà chồng về đó. Mẹ chồng tôi đặt sẵn phòng khách sạn gần biển, cách quê cụ chỉ vài cây số nên đi lại nghỉ ngơi cũng tiện.

Chơi chán ở khu du lịch bãi biển xong thì cả nhà lái xe về ăn cỗ. Lần đầu tiên về quê cụ của chồng nên tôi choáng váng khi thấy họ hàng đông như kiến! Chẳng biết ai với ai, vai vế thế nào nên tôi chào đại. Kiểu già thì gọi ông bà, trung niên kêu chú bác. Mẹ chồng ghé tai nói nhỏ rằng toàn họ hàng xa nên thôi không cần biết hết. Chỉ cần nhớ ông bà nội và mấy người bác ruột của bố chồng là được.

Cỗ bàn nấu từ sớm nên buổi trưa khi nhà tôi đến nơi đã xong xuôi hết rồi. Tôi chỉ kịp xắn tay vào phụ mọi người mang bát đũa ra. Gần 20 cái chiếu to trải ở sân đình, kín cả ao làng nữa. Mỗi mâm tầm 8-10 người, tính sơ sơ cũng gần 200 nhân khẩu. Tôi không hiểu sao họ hàng bên nội sinh đẻ nhiều thế. Bọn trẻ con hò hét khóc lóc đau hết cả đầu.

Mẹ chồng kéo tôi ngồi chung mâm với đám thanh niên trong họ, ngay cạnh mâm phụ nữ của bà. Tôi dị ứng với lạc và nghệ nên nhiều món không ăn được, chỉ gặm mỗi gà luộc, ít xôi và rau xào.

Mẹ chồng liên tục gắp miếng ngon cho tôi và còn cẩn thận nhặt hết hành tỏi ra ngoài. Mấy bà dì bà thím trông thấy liền cao giọng chê “gái thành phố đỏng đảnh”. Tôi chưa kịp thanh minh thì mẹ chồng đã nháy mắt bảo cứ ăn đi, kệ người ta nói gì nói.

Chồng tôi phải lái xe nên không uống tí rượu bia nào. Bị người lớn trong họ mời nhiều quá nên anh phải trốn ra ngoài mương. Tôi ăn xong cũng đi cùng anh dạo mát. 2 đứa đang ngắm cảnh thì mấy bà chị họ gọi tôi về rửa bát, giục ầm ĩ như kiểu cháy nhà.

Nhìn mớ bát đĩa ngồn ngộn mà tôi toát mồ hôi. Lâu nay lên mạng đọc cả đống chuyện rửa bát khi ra mắt nhà người yêu, giờ tôi mới thấy éo le khi mình trở thành nhân vật chính.

Mà điều sốc nhất không phải là số lượng bát đĩa. Có mấy chục người phụ nữ ở trong đám giỗ mà ai cũng xúm vào bảo “Dâu mới về quê thì rửa bát cho quen”. Họ cười đùa ầm ĩ, khoanh tay đứng nhìn tôi ngồi một mình giữa núi bát bẩn.

Tôi bối rối nói rằng sức mình không thể xử lý hết chỗ bát đũa này được, nhờ mọi người hỗ trợ một phần. Song ai cũng lơ đi như không nghe thấy. Họ còn đứng bàn luận trêu chọc, văng hết cả nước bọt lên đầu tôi.

Sắp khóc đến nơi thì mẹ chồng bỗng dưng lao tới kéo tôi đứng dậy. Bà bảo tôi rửa tay cho sạch sẽ, đi ra ngoài để mẹ giải quyết. Mọi người nhao nhao phản đối, có người còn túm tôi lại không cho đi. Nhưng mẹ chồng bình thản đáp trả khiến đám cô dì chị em im phắc.

- Con dâu tôi không phải con hầu. Cháu nó ở nhà bố mẹ đẻ thì rửa bát từ nhỏ đến lớn, gả sang nhà tôi cũng rửa phụ mẹ chồng mỗi ngày. Tôi đưa nó về quê chơi ra mắt, nó được quyền làm khách ăn một bữa cơm. Cậy đông bắt nạt cháu nó như thế, 19 mâm bát nó cắm đầu rửa đến ngày kia cũng không xong! Có phải hội dì ghẻ đâu mà đè đầu con Tấm thế. Mọi người cùng lười thì để nhà tôi bỏ tiền ra thuê người đến rửa hộ, chứ trên thành phố tôi mua hẳn máy rửa bát để không ai phải hầu ai cơ ạ.

Mẹ chồng nói xong liền chào một lượt từ trên xuống dưới rồi xin phép về thẳng. Tôi sợ bị mất lòng nên bảo thôi mẹ cứ để con phụ rửa một lát, kẻo họ hàng lại chê trách gia đình mình. Bà liền đáp rằng muốn rửa thì mai về lau dọn bếp hết một lượt cho mẹ. Còn muốn gãy lưng thì xách cái ghế lùn mẻ một góc chân mà ngồi ở bờ ao.

Chồng tôi vừa lái xe vừa tủm tỉm cười suốt từ quê lên thành phố. Anh khen mẹ “ngầu” hết sức, bênh con dâu mà mấy chục con người không ai cãi lại được. Không nhờ mẹ thì còn lâu tôi mới thoát được kiếp nạn rửa 19 mâm cỗ. Đúng là có phúc mới được làm con dâu của mẹ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn