Hộ lý, điều dưỡng, nữ hộ sinh không thuộc đối tượng nghỉ hưu sớm

16:04 | 05/08/2019;
TB&XH, hiện tại có tổng số 1.748 nghề, công việc thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cơ quan này đang tiếp tục rà soát danh mục để bổ sung các ngành nghề thuộc nhóm có quyền nghỉ hưu sớm.

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đưa ra phương án nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi và nữ lên 60 tuổi theo lộ trình thực hiện từ 1/1/2021.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm tuổi với người lao động suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

 

nghi.jpg
Ảnh minh họa

 

Bộ này cũng đang rà soát danh mục các nghề nghiệp có quyền được nghỉ hưu sớm. Theo đó, với nhóm nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, ngoài điều kiện về thời gian tham gia BHXH, có 2 yếu tố quyết định đến quyền của người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, cụ thể là:

Tính chất công việc của người lao động (nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; khai thác than trong hầm lò; làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên); Thứ 2 là mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động.

Tuỳ điều kiện cụ thể mà người lao động trong những trường hợp trên được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn từ 1 đến 5 năm.

Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn nữ, có thể tới 10 năm.

 

dao-tao-ho-ly.jpg
Hoạt động đào tạo nghề hộ lý, điều dưỡng. Ảnh minh họa

 

Thời gian vừa qua, đông đảo người lao động, chủ yếu là lao động nữ thuộc nhóm nghề, công việc hộ lý, điều dưỡng, nữ hộ sinh có gửi câu hỏi tới cơ quan chức năng về quyền được nghỉ hưu sớm của nhóm ngành nghề này.

Giải đáp cho người lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Hiện nay, danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm đang được quy định tại 8 văn bản quy phạm pháp luật với tổng số 1.748 nghề, công việc trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Riêng đối với ngành Y tế có 21 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, nhóm công việc hộ lý, điều dưỡng, nữ hộ sinh không thuộc 21 nghề, công việc đã nêu, nên nhóm công việc này không thuộc đối tượng nghỉ hưu sớm.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thị trường lao động Việt Nam và thông lệ một số quốc gia trên thế giới.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH là: "Từ năm 2021 thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn