Thành phố Mai Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) có một động nước tự nhiên nổi tiếng với màu trong xanh như ngọc bích, được mệnh danh là “long cung” trên mặt đất - hồ Lục Quật.
Sở hữu phong cảnh tuyệt mỹ, chất nước như ngọc, đồng thời lại là hang động hoàn toàn ngập trong nước duy nhất của Trung Quốc, hồ Lục Quật không chỉ thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, mà còn có những thợ lặn chuyên nghiệp nổi tiếng.
Tháng 11/2011, một nhóm người đến hồ Lục Quật để thử thách lặn xuống đáy, xem thử động nước sâu đến đâu.
Thế nhưng lần thử thách này đã hé lộ một bí mật chấn động nằm sâu dưới đáy động nước. Trong quá trình lặn xuống đáy, nhóm người đã phát hiện rất nhiều bộ hài cốt. Vì quá sợ hãi, nhóm thợ lặn đã lập tức ngoi lên mặt nước và báo cảnh sát.
Cảnh sát tiếp cận hiện trường, đồng thời mời thợ lặn chuyên nghiệp đến hỗ trợ thu thập thông tin và hình ảnh dưới đáy động. Thông qua kiểm nghiệm, cảnh sát ghi nhận dưới động nước có 12 bộ xương người phụ nữ, được tìm thấy ở độ sâu 46m.
Pháp y cho biết, những người này đã chìm dưới hồ Lục Quật và vùng vẫy rất kịch liệt trước khi chết. Xung quanh những bộ hài cốt còn có rất nhiều sợi xích dài và nặng. Đó chính là lý do họ vùng vẫy cách nào cũng vô dụng.
Theo đánh giá sơ bộ, chuyên gia nhận định những người phụ nữ này đã chết rất lâu, không phải người hiện đại.
Cảnh sát mời chuyên gia khảo cổ tham gia điều tra. Kết quả phải khiến cảnh sát ngỡ ngàng. Những bộ xương phụ nữ dưới hồ Lục Quật là người sống ở giai đoạn những năm cuối của nhà Thanh.
Chỉ dựa vào xương cốt thì rất khó tìm ra chân tướng nên chuyên gia chỉ có thể điều tra thôn trang xung quanh khu vực động nước. Quả nhiên, cảnh sát tìm được một bà lão 86 tuổi sống ở khu vực gần đó. Lời kể của bà đã giúp chuyên gia và cảnh sát vén màn lịch sử đen tối nằm bên dưới hồ Lục Quật với làn nước xanh ngắt một màu kia.
Bà lão kể lại, vào cuối thời kỳ nhà Thanh, nơi đây có một hào môn thế gia họ Lý. Gia tộc này rất có ảnh hưởng ở địa phương.
Những bộ xương dưới đáy hồ Lục Quật là phụ nữ nhà họ Lý, và đều bị gán với tội danh “không giữ lễ nghĩa trinh tiết”. Ở thời Cổ đại, trinh tiết rất quan trọng đối với phụ nữ. Thời bấy giờ, phụ nữ không có địa vị, sau khi kết hôn thì hoàn toàn lệ thuộc vào nhà chồng. Nếu chồng chết thì họ phải giữ tiết tháo suốt đời. Theo quan niệm ngày xưa, giữ tiết tháo chính là giữ vững sự trong sạch, đạo đức làm người; phụ nữ phải một lòng một dạ chung thủy với chồng.
Nếu không biết giữ tiết tháo mà còn bị phát hiện, họ sẽ bị nhốt vào rọ heo, sau đó dùng xích sắt quấn chặt để không thể thoát ra ngoài. Dân làng vây lại chửi mắng một trận rồi mới ném rọ heo xuống nước.
“Dìm rọ heo” là tư hình của gia tộc hoặc thôn làng dùng để trừng trị những đôi nam nữ bất trung. Tuy nhiên, người chịu hình thường là nữ giới.
Bị ảnh hưởng bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, người đàn ông có thể nạp thiếp, nhưng phụ nữ góa chồng thì phải thủ tiết cả đời. Nếu góa phụ bị phát hiện có gian tình thì chắc chắn phải chịu tội chết. Riêng người đàn ông thì cùng lắm chỉ bị chỉ trích vài lời.
Thật ra, hình phạt này không nhất thiết phải dùng rọ heo, mà vẫn có thể dùng những loại rọ hoặc chuồng khác như chuồng gà… Hình phạt “dìm rọ heo” này còn có một tầng ý nghĩa khác. Đó là xem phụ nữ không biết giữ tiết tháo đã mất hết phẩm giá và nhân cách.
Đây chính là một trong những hình phạt tàn nhẫn, vô nhân tính áp dụng lên số phận nhỏ bé của người phụ nữ. Thời bấy giờ, quan phủ không thể can thiệp vì cho rằng việc này là “chuyện nhà người ta”. Hơn nữa, những người phụ nữ bị xử lý ở nơi bí mật không ai biết. Mặt khác, chính phủ nhà Thanh chỉ “thân ai nấy lo”, “chuyện của mình còn lo chưa xong mà đi lo cho người ta”.
Theo bà lão 86 tuổi kể lại, hồ Lục Quật là nơi xử phạt của gia tộc họ Lý ở thôn Nham Tiền cùng các thôn trang lân cận khác, chuyên hành hình người dân vi phạm luật lệ và phụ nữ không biết giữ lễ nghĩa.
Hình phạt nhốt trong rọ heo rồi dìm xuống nước thật sự quá tàn nhẫn, mãi đến thời Dân quốc mới bị loại bỏ.
(Nguồn: Sohu)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn