Trong khi nhiều sinh viên kêu trời vì dự thảo không xếp loại bằng tốt nghiệp đại học gây ra việc mất công bằng, đánh đồng người học và người không học, không ghi nhận được sự nỗ lực, cố gắng của sinh viên trong suốt 4,5 năm với nhiều nhà tuyển dụng, đôi khi bằng đại học không quá quan trọng.
Chị Đoàn Thu Thảo, Group HR & Office Director, Ogilvy & Mather (Vietnam), cho biết, bằng đại học trường nào hay bằng đại học xếp loại gì vẫn có giá trị với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, còn với các tập đoàn hay công ty có tiếng tăm, họ nhìn vào các giá trị khác để chọn ứng viên. “Khi tuyển dụng, tôi không quan tâm đến việc xếp loại bằng ĐH trong nước, nếu có, chỉ xem đó là bằng của trường đại học nào. Tuy nhiên, tôi chú ý đến bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Thế nhưng, có đến 80% các công ty, cơ quan vẫn coi trọng việc xếp loại bằng đại học bởi các bộ phận nhân sự không biết bám vào đâu để đánh giá ứng viên. Với các CEO thì họ nhìn người chứ không nhìn bằng”.
Là người có kinh nghiệm trong tuyển dụng, chị Thảo cho biết, chị quan tâm đến CV hơn là bằng tốt nghiệp đại học. “Bởi ở CV đã biết ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng, khả năng, điểm mạnh gì… Nếu ứng viên đã đi làm thì quan tâm họ làm ở công ty gì và thời gian bao lâu. Nếu là sinh viên mới tốt nghiệp thì quan tâm học ở đâu ra, hoạt động làm thêm, kiếm tiền như thế nào…”
Chị Thảo cho biết, điều chị quan tâm nhất khi tuyển dụng là các kỹ năng mềm của các ứng viên. “Với những ngành nghề “quý hiếm” thì ứng viên ngổ ngáo một chút cũng chấp nhận. Như nghề lập trình, chỉ cần ứng viên giỏi lập trình, còn thứ khác kém cũng không sao. Tuy nhiên, với những ngành nghề làm việc với con người như dịch vụ, bảo hiểm, luật, ngân hàng… thì soltskill là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, tôi đánh giá cao những ứng viên thích tò mò. Tò mò hơi khác với ham học hỏi. Tò mò là không rập khuôn khi làm việc mà luôn sáng tạo khi gặp những thứ mới mẻ khiến cho công việc được cải tiến”.
Chị Thảo cũng không chấp nhận câu trả lời Không ở ứng viên. “Đó là những người không có khả năng xoay sở độc lập trong công việc, thích ngồi nghe người khác chỉ đạo, sếp bảo gì làm nấy, thậm chí sếp phải chỉ tận tay. Ngoài ra, tôi cũng sẵn sàng loại những ứng viên chỉ làm đúng phận sự của mình. Có thể những ứng viên này giỏi nhưng sẽ không bao giờ làm những việc không phải của mình mà chỉ lo hoàn thành đúng công việc mình được giao”.
Theo chị Thảo, những kỹ năng này không được dạy ở trường ĐH, cũng không được ghi trên bằng tốt nghiệp đại học mà được do dạy dỗ từ nhỏ ở gia đình, do cá tính và khả năng quan sát, vươn lên của mỗi người.
Còn ở góc nhìn người sử dụng lao động, ông Lê Đức Cường, Trưởng phòng tuyển dụng, Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông miền Bắc (thuộc FPT Telecom), cho biết, là doanh nghiệp thiên về kỹ thuật, doanh nghiệp của ông ưu tiên các ứng viên có tay nghề cao nhưng để đi đến bước phỏng vấn kỹ, phòng tuyển dụng phải trải qua quá trình lọc hồ sơ.
Khi lọc hồ sơ, việc bằng cấp ghi kết quả xếp loại sẽ giúp khâu này dễ dàng hơn. Khi nhìn xếp loại trên bằng cấp của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng xếp nhóm để phỏng vấn. “Nói chung, bằng cấp và nội dung ghi trên bằng là điều kiện cần chứ chưa đủ, doanh nghiệp đánh giá ứng viên chủ yếu dựa trên năng lực chứ không chỉ bằng cấp”.