Chị Nguyễn Thị Lan Anh (Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Xuyên) đã xây dựng mô hình "Canh tác lúa nếp khoái đen thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường" nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Khu Đoàn Kết thuộc xã Hùng Xuyên là một trong 4 khu đặc biệt khó khăn thuộc Dự án 8 Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Theo chị Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) bưởi và dịch vụ tổng hợp Hùng Xuyên, trước kia bà con gieo cấy nếp khoái đen nhỏ lẻ để phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của gia đình, như dùng để đồ xôi, làm bánh trong các dịp lễ, tết.
Với mục tiêu giữ gìn sản vật truyền trống, phát triển kinh tế địa phương năm 2021 các cấp Đảng, chính quyền địa phương đã vận động các hộ trồng lúa nếp tham gia, thành lập HTX bưởi và dịch vụ tổng hợp Hùng Xuyên. Sau khi thành lập, HTX tập trung sản xuất, chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường. Áp dụng các công nghệ phù hợp như sử dụng ít phân bón, nước tưới, từ đó hạn chế được sâu bệnh mà vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất tốt.
HTX còn là đầu mối thu mua sơ chế, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân trong xã. Đến nay diện tích và năng suất nếp khoái đen đã tăng lên 30 tấn/năm, doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Góp phần bảo tồn, phát triển sản vật truyền thống cũng như phát triển kinh tế xã Hùng Xuyên.
Mô hình thực hiện từ năm 2021 với 5ha tại 2 khu Đoàn Kết, Vĩnh Lại, hiện nay mô hình được nhân rộng lên 29ha với 450 hộ tham gia tại 9 khu Thượng Khê, Đông Dương, Nghinh Lạp, Ánh Hồng, Tân Lập, Đoàn Kết, Vĩnh Lại, Cáo Sóc, Nhà Hóp. Các mô hình đều tập trung sản xuất, chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường, áp dụng các công nghệ phù hợp như sử dụng ít phân bón, nước tưới, từ đó hạn chế được sâu bệnh mà vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất tốt.
"Trước đây bà con nhân dân canh tác theo hướng tự cung tự cấp, nay bà con nhân dân đã tham gia là thành viên HTX để được hướng dẫn gieo trồng sản xuất tập chung theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Nhờ đó, diện tích canh tác năm 2024 là 29ha, số lượng thành viên của HTX lên đến 450 hộ, thành viên thuộc khu đặc biệt khó khăn là 174 hộ", chị Lan Anh cho biết.
Về phương thức bán sản phẩm và tiếp cận khách hàng, HTX bưởi và dịch vụ tổng hợp Hùng Xuyên là đầu mối thu mua sơ chế, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân trong xã. Gạo nếp khoái đen Hùng Xuyên được chứng nhận sản phẩm OCOP đem lại giá trị kinh tế, tạo thêm nguồn thu nhập cho thành viên HTX và hội viên phụ nữ.
HTX có quy trình trồng và chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, áp dụng các công nghệ khoa học phù hợp để hạn chế được sâu bệnh và cho ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất tốt. Thời gian gieo trồng thường được bắt đầu từ tháng 5 và cho thu hoạch từ cuối tháng 10.
Nếp khoái đen có đặc điểm sinh trưởng phát triển tốt, chịu thâm canh, ưa những chân ruộng trũng, nhiều nước, có thể chịu ngập từ 1-2 ngày, cây cao từ 1,3-1,5m. Khả năng đẻ nhánh trung bình, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng từ 140-160 ngày và năng suất đạt từ 1,3-1,5 tạ/sào. Hiện nay, gạo nếp khoái đen trên thị trường có giá bán khoảng từ 45-50 nghìn đồng/kg.
Để tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương, xây dựng thương hiệu gạo nếp khoái đen, chị Lan Anh cho biết, HTX dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng. Đồng thời chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con với mong muốn tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho các thành viên HTX, người dân nơi đây.
HTX đã được hội LHPN huyện Đoan Hùng kết nối với trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công thương tỉnh hỗ trợ làm hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, logo, lập website, thiết kế bao bì cho sản phẩm. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và trở thành hàng hoá tiêu dùng hàng ngày cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Với mô hình này, HTX đã thực hiện được "6 giảm", đó là giảm lượng hạt giống; giảm lượng phân đạm; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch; giảm khí thải nhà kính. Giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động. Từ đó, giúp nông dân tăng lợi nhuận đáng kể so với phương pháp sản xuất truyền thống. Sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao và phấn đấu đạt OCOP 4 trong năm 2024.
Có thể khẳng định, nếp khoái đen là sản phẩm bản địa mang lại thu nhập cao cho hội viên, phụ nữ, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Đoan Hùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn