Tham dự buổi làm việc ngày 7/1 có ông Lê Khánh Lương - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội); ông Kim Jin Oh - Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; bà Cho Jung Myung - Phó Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam làm Trưởng đoàn và ông Paul Priest, Trưởng bộ phận chương trình Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM)…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa cùng lãnh đạo các ban: Chính sách - Luật pháp, Gia đình - Xã hội... đã trả lời và làm sáng rõ mọi vấn đề mà đoàn khảo sát KOICA muốn tìm hiểu. Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho biết, Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, có tư cách pháp nhân, có chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội LHPN Việt Nam là tổ chức được pháp luật cho phép được thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài - là Trung tâm duy nhất tại Việt Nam được thực hiện nhiệm vụ giới thiệu kết hôn.
Cả nước hiện có 17 Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài do Hội phụ nữ các tỉnh thành lập. Từ khi thành lập đến nay, các Trung tâm đã tư vấn cho hơn 15 nghìn trường hợp liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài, có 2.113 trường hợp hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, 210 trường hợp hoàn tất thủ tục ly hôn. Hình thức tư vấn của Trung tâm rất linh hoạt (gặp gỡ tại trung tâm, qua điện thoại, đến tận hộ gia đình…) nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng; các trường hợp tư vấn nhiều nhất vẫn là kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Thông qua các buổi tư vấn, các Trung tâm định hướng cho cho phụ nữ lấy chồng nước ngoài các nội dung về văn hóa, pháp luật, ngôn ngữ của nước định đến làm dâu; giúp chị em thấy được những khó khăn, rủi ro có thể gặp khi đi làm dâu ở nước ngoài để chị em chuẩn bị tâm lý…
Theo ông Paul Priest - Trưởng bộ phận chương trình Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), IOM có sự hợp tác, hỗ trợ đối với Hội LHPN Việt Nam trong các dự án/hoạt động liên quan tới phòng chống mua bán người giai đoạn 1999-2002. Tiếp đến là Đề án truyền thông 2005 - 2010; Hợp phần “Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về di cư lao động an toàn” năm 2013; Nâng cao nhận thức về quyền của người lao động di cư sang Lào tại 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Trị từ tháng 2 đến tháng 6/2014.
Hiện IOM đang phối hợp vận động dự án 3 bên KOICA - Hội LHPN Việt Nam - IOM "Trao quyền cho Phụ nữ Việt Nam di cư trở về từ Hàn Quốc thông qua việc phát triển các kỹ năng, mạng lưới và kinh nghiệm của họ”. Đây sẽ là một dự án quan trọng góp phần vào việc hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ Việt Nam hồi hương tái hòa nhập cộng đồng. Ở đầu ra của dự án, Hội hướng đến việc nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện dự án, vừa nâng cao năng lực, giúp vốn vay tạo việc làm cho chị em, hỗ trợ pháp lý cho các con của những phụ nữ trở về.
Theo đánh giá của ông Lê Khánh Lương - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - những đề xuất của Hội trong dự án cũng phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam và các hoạt động do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội triển khai liên quan đến phụ nữ di cư trở về (gồm cả di cư kết hôn và lao động).
Với vai trò là tổ chức phụ nữ duy nhất tại Việt Nam đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ; với trách nhiệm là tổ chức duy nhất tại Việt Nam được phân công nhiệm vụ thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; cùng với kinh nghiệm làm việc với phụ nữ, hệ thống tổ chức Hội và cán bộ Hội xuống tận cơ sở sẽ là những điểm thuận lợi để Hội đảm nhiệm tốt vai trò là Cơ quan chủ quản của dự án này. Đây là dự án quan trọng hỗ trợ cô dâu Hàn Quốc và tiến tới nhân rộng mô hình hỗ trợ các đối tượng cô dâu trở về từ các nước khác.