Cũng như các hộ người dân tộc Ơ Đu sinh sống rải rác ở nhiều xã trên huyện Tương Dương, sau khi nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ, gia đình bà Lương Thị Châu được tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My. Gia đình bà cùng các hộ dân tái định cư được Nhà nước xây cho căn nhà kiên cố.
Bà Châu cho biết, trước đây gia đình bà ở xã Kim Tiến (huyện Tương Dương). Năm 2006, bà Châu cùng các con chuyển về định cư tại xã Nga My, bên cạnh QL 48C nối liền 2 huyện Tương Dương và Quỳ Hợp. Ngoài việc được Nhà nước xây nhà, bà Châu cũng được hưởng thêm nhiều chính sách đãi ngộ khác.
Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã triển khai xây 67 chuồng bò cho người dân Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương) với kinh phí hơn 12,6 tỉ đồng (mỗi chuồng từ 127 đến 236 triệu đồng) và cấp 304 con bò cho 77 hộ dân nuôi với giá 15 triệu đồng/con.
Đặc biệt, năm 2020, tỉnh Nghệ An triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025. Gia đình bà Châu cùng nhiều hộ dân người Ơ Đu khác được hưởng lợi từ dự án. Bà Châu được nhận 4 con bò giống, đi kèm là chuồng bò được xây dựng khá hiện đại theo tiêu chuẩn nuôi nhốt. Mỗi chuồng bò trị giá hàng trăm triệu đồng, giá trị gấp nhiều lần bò giống. Trước và sau chuồng đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền chuồng bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn...
Cạnh đó, gia đình con trai bà Châu là anh Lo Văn Quyền cũng được hỗ trợ tương tự. Cả bà Châu và anh Quyền được xây dựng 2 chuồng bò sát nhau, với 8 con giống – tài sản lớn nhất từ trước tới nay mẹ con bà Châu có được.
Đề án được kỳ vọng mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào Ơ Đu, 1 trong 5 dân tộc có dân số ít nhất Việt Nam.
Thế nhưng, tháng 10/2023 khi PV Báo Phụ nữ Việt Nam trở lại xã Nga My, tìm đến bản Văng Môn thì bò không còn và chuồng bò trị giá hàng trăm triệu xây dựng từ 3 năm trước giờ chỉ còn lại những bức tường cùng nền xi măng.
Toàn bộ phần cột thép và mái tôn phía trên đã được gia đình bà Châu tháo bán. Bà Châu thật thà cho biết: "Gia đình tôi được cấp 4 con bò giống nhưng 2 con chết, còn lại 2 con tôi bán… lấy tiền cho con làm đám cưới. Sau khi không còn bò, chuồng tôi cũng bán được 5 triệu đồng".
Càng bất ngời hơn khi bà Châu nói rằng, mỗi con bò bà chỉ bán được hơn 5 triệu đồng, nghĩa là chỉ bằng 1/3 giá trị so với thời điểm được cấp (giá mỗi con bò giống là 15 triệu đồng). Số tiền ít ỏi từ bán bò, bán chuồng bà Châu đã tiêu hết từ lâu.
Cạnh chuồng bò nhà bà Châu (giờ chỉ còn lại mỗi nền) là chuồng bò của anh Quyền cũng đã bỏ hoang. Chuồng bò này được bà Châu trưng dụng làm chỗ để củi. Người phụ nữ dân tộc Ơ Đu này cho biết, anh Quyền đã bán 2 con bò, 2 con còn lại anh đưa về nơi ở cũ ở xã Kim Tiến để thả rông trong rừng.
Cách nhà bà Châu chỉ một cái bờ rào là gia đình anh Lo Văn Cảnh. Ngôi nhà xây kiên cố của nhà anh Cảnh cửa đóng im lìm, vườn toàn cỏ dại. Chị Lo Thị Lan - Trưởng bản Văng Môn - cho biết, cả nhà anh Cảnh trở về nơi ở cũ là xã Kim Tiến rồi. Số bò được cấp gia đình anh Cảnh cũng đã bán hết, chuồng vẫn còn nhưng bỏ không.
Theo lý giải của bà Châu cũng như các hộ dân đã bán hết bò của đề án, người dân Ơ Đu trước đây vốn sống dưới những tán rừng thâm u nay thuộc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Tập tục của họ là trồng lúa nương và thả rông trâu, bò trong rừng.
Chị Lô Thị Ét, người đã bán hết 4 con bò của đề án để chuyển sang nuôi trâu cho biết: Nhà chị nằm ngày bên cạnh QL 48C, phía sau nhà là rừng khoanh nuôi. Đất sản xuất được cấp rất hạn chế do đó rất khó để lấy chỗ trồng cỏ. Ngoài ra, chị Ét không quen với việc nuôi bò nhốt.
"Nhốt một lúc 4 con lấy gì cho ăn. Nếu số bò này thả rông, khu này cũng không có chỗ thả vì bò khác trâu không ăn ở cố định một chỗ. Sau khi nhận bò không được bao lâu, gia đình phải bán hết, được 40 triệu đồng và chuyển sang nuôi trâu thả rông", chị Ét chia sẻ.
Do đàn trâu ăn ở trong rừng nên từ lâu chuồng được đề án xây dựng cho gia đình chị Ét tốn mấy trăm triệu đồng cũng chẳng mấy khi dùng đến. Chuồng đóng kín và giờ chỉ làm chỗ cất rơm rạ phòng khi mùa đông đến cho trâu ăn.
Chúng tôi cùng cán bộ xã về thôn Văng Môn đã đi đến nhiều gia đình nhưng thấy mỗi nhà ông Lo Văn Hoàn đang nuôi nhốt bò của đề án. "Nhà tôi được cũng được cấp 4 con bò nhưng đã chết 1. Do chưa quen nên thời gian đầu nuôi nhốt gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may nhà tôi bên suối và có nhiều đất để trồng cỏ nên mới nuôi nhốt được. Bò khá béo tốt nhưng đã 3 năm vẫn không đẻ, gia đình rất sốt ruột", ông Hoàn nói.
Chỉ vào phía đối diện, cách chuồng bò nhà mình khoảng 10m, ông Hoàn cho biết thêm, chuồng đó là của gia đình anh Lo May Khiên. Được biết, anh Khiên cũng được cấp 4 con bò giống nhưng đã bán 2 con, 2 con còn lại "mang đi gửi". Nhà anh Khiên giờ đóng cửa, cây dại leo kín nhà, 2 vợ chồng đi làm công nhân ở thành phố.
Ông Lương Tuấn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nga My - cho biết: Xã Nga My có 1.111 hộ, chủ yếu người Thái (hơn 90%). Riêng bản Văng Môn có 109 hộ, trong đó người Ở Đu có 102 hộ và 324 nhân khẩu.
Theo Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân tộc Ơ Đu, đã có 77 hộ dân người Ơ Đu được cấp bò giống với tổng số 304 con. "Hiện chỉ còn lại 184 con bò giống, đã có hơn 100 con bị bán và số ít chết vì bệnh", ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, con số 184 con bò giống đang còn (theo báo cáo của xã) cũng chưa thật chính xác bởi rất nhiều hộ dân nói rằng, bò chưa bán và được đưa về nơi ở cũ thả trong rừng. Đây là thông tin rất khó kiểm chứng.
(Còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn