Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi và tránh những rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa

14:03 | 10/12/2022;
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang được hỗ trợ để nâng cao năng lực về thiết kế, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; đồng thời được trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực để mở rộng dư địa thị trường và cơ hội đưa hàng hóa xuất xứ Việt Nam vươn ra thế giới.

Sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện sự tiếp cận tích cực hơn và những lợi ích Hiệp định này đem lại cũng rõ rệt hơn. 

Trao đổi tại Tọa đàm "Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/12, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi trong khuôn khổ EVFTA trong hai năm đầu thực hiện EVFTA là là 18,7 tỷ USD. Mức độ các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp trong khuôn khổ EVFTA đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU.

"Đây là một con số được nhìn nhận khá tích cực, cho thấy EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng", bà Hiền cho biết.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi và tránh những rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa  - Ảnh 1.

Cac đại biểu tham dự tọa đàm chia sẻ những chính sách, biên pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng hàm lượng xuất xứ VIệt Nam xuất khẩu sang châu Âu

Ở góc độ thực tiễn doanh nghiệp xuất khẩu, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, nhìn nhận Hiệp định EVFTA góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày. Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU của ngành da giày chỉ chiếm vào khoảng 22% - 23% và sau khi hiệp định có hiệu lực thì tỷ trọng này đã nâng lên là 26%.

Đặc biệt, theo bà Xuân, trong 2 năm vừa qua khi ngành da giày chịu tác động của đại dịch Covid-19 nên hầu như xuất khẩu vào các thị trường đều có sự suy giảm, tuy nhiên nhờ Hiệp định EVFTA ngành da giày vẫn duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU và năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng lớn nhất thì thị trường EU vẫn có sự tăng trưởng. Nhờ thế kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 vẫn đạt kế hoạch đề ra và trong thời gian 9 tháng năm 2022, tăng trưởng của thị trường EU khá tốt với mức độ 15% và hầu như xuất khẩu vào các thị trường trong khối đều tăng trưởng ở mức 15% - 20%.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi và tránh những rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa  - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi và tránh những rủi ro

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, để gia tăng tận dụng những ưu đãi trong EVFTA, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện mở rộng phát triển vùng nguyên liệu với những công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường đáp ứng được các tiêu chí của EU. Có chính sách thu hút nguồn lực công nghệ cao từ EU, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực về thiết kế nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực để mở rộng dư địa thị trường và cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có sự chủ động tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi và những ưu đãi khác của Hiệp định EVFTA. Riêng với ngành da giày, giải pháp sắp tới cần phải thu hút thêm đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu da thuộc tại Việt Nam để nâng tỷ trọng sản xuất giày, đặc biệt giày da để xuất khẩu vào thị trường EU, qua đó sẽ tận dụng được cơ hội này tốt hơn nữa.

Ở khía cạnh thủ tục hải quan, bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực triển khai, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có những Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA, phân công cụ thể với việc thực hiện các cam kết liên quan đến hải quan thì cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn và tháo gỡ cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp gặp phải vướng mắc để giảm thiểu rủi ro.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi và tránh những rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa  - Ảnh 3.

Bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan

Khuyến nghị các doanh nghiệp trong trường hợp có vướng mắc về thực hiện các chính sách cần có kiến nghị ngay để các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ, bà Hải Bình cũng thông tin, hiện nay nhiều văn bản mới đang được hoàn thiện để sớm ban hành như văn bản sửa Nghị định số 59; văn bản sửa Thông tư số 38, 39/2018 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan thuộc hải quan.

"Tất cả những văn bản mới đều được xây dựng trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp cũng như các ý kiến đóng góp của các đơn vị quản lý liên quan nhằm đưa ra những quy định thuận lợi nhất cân bằng giữa mục tiêu quản lý và mục tiêu liên quan đến tạo thuận lợi thương mại", bà Hải Bình cho biết.

Riêng về Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định EVFTA, Bộ Tài chính cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị ban hành Thông tư thay thế một số thông tư về xuất xứ hàng hóa, trong đó dự thảo đã lấy ý kiến rộng rãi có rất nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi và rất cụ thể trong đó có sự khác biệt giữa Hiệp định EVFTA với các hiệp định khác mà doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện theo hướng dẫn trong Thông tư mới sắp được ban hành tới đây.

Để có thể gia tăng được tỷ lệ về xuất xứ đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, hiện nay Cục Xuất nhập khẩu đang thực hiện các biện pháp đồng bộ và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi và tránh những rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa  - Ảnh 4.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Cụ thể có thể kể đến thứ nhất là tham mưu công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này, trong đó những chế tài xử phạt cũng rất được chú trọng.

Thứ hai, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan như Tổng cục Hải quan, các Hiệp hội ngành hàng để tiếp tục triển khai những cuộc tập huấn, đào tạo kịp thời, vừa giải đáp vừa hướng dẫn doanh nghiệp để làm sao đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU.

Thứ ba, chủ động phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu trong trường hợp nếu có đề nghị xác minh xuất xứ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh hàng hóa có xuất xứ trong trường hợp đúng là hàng hóa đó đáp ứng theo quy định của EVFTA. Trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng xuất xứ sẽ cùng với phía EU tìm hiểu và có những biện pháp kịp thời nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Thứ tư, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham vấn và đề xuất đưa ra được quy tắc xuất xứ phù hợp với thực tế của doanh nghiệp cũng như quy trình sản xuất hiện nay tại Việt Nam.

Một trong những giải pháp, hành động hỗ trợ hiện đang rất được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó tiếp nhận và xử lý các vướng mắc cũng như giải đáp và tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu đi EU liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Những hỗ trợ trên sẽ góp phần "mở rộng cửa" để các doanh nghiệp có thể đưa hàng Việt vươn ra thế giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn