Hơn 90% doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, đơn vị sản xuất do nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối, đưa sản phẩm ra thị trường, đến tay người tiêu dùng
Vườn chè nhà chị Nguyễn Thị Toàn tại cụm 28, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đương vào độ thu hoạch. Các nhân công đang thoăn thoắt hái lá để kịp sao chè, hoàn thành đơn hàng mới chuyển về Hà Nội. Chị Toàn tâm sự: Những năm qua, vùng đất Thanh Sơn phát triển nhanh diện tích trồng chè bởi nơi đây, thổ nhưỡng rất phù hợp với loại cây này. Cùng với đó, phần lớn chị em sản xuất chè đã được tập huấn để làm ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt cung cấp ra thị trường.
Tuy vậy, theo chị Toàn, khó khăn lớn nhất của người nông dân sản xuất chè vẫn là câu chuyện nguồn vốn và đầu ra cho sản phẩm. Gia đình chị Toàn đã tiếp cận được nguồn vốn vay của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM (thuộc Hội LHPN Việt Nam) để đầu tư vào phân, giống cây và máy móc sản xuất chè.
Điểm nghẽn thứ 2 là đầu ra cho sản phẩm hiện tại còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, cây chè được trồng ở nhiều địa phương miền núi, trung du phía Bắc và Bắc miền Trung. Phần lớn các hộ gia đình, hợp tác xã vẫn phải tự mình xoay sở, tìm kiếm các kênh phân phối, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn đang trói chân các doanh nghiệp vươn lên lớn mạnh.
Trong đó, hạn chế lớn nhất với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vấn đề liên kết. Các đơn vị sản xuất nông nghiệp nhỏ, khả năng tiếp cận thương mại còn giới hạn nên rất khó trong việc kết nối. Cùng với đó, doanh nghiệp nhỏ vẫn vướng mắc trong câu chuyện vốn và công nghệ để chế biến sâu. Những khó khăn này đã tạo rào cản để các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kết nối để tạo thành các chuỗi cung ứng hàng hóa phát triển bền vững.
Theo ông Đỗ Hoàng Thạch, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và hộ gia đình khắc phục dần những hạn chế, thì “nhất định phải phát triển liên kết”: Liên kết ngang giữa các đơn vị sản xuất và liên kết dọc giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối và tiêu dùng; đồng thời rất cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách.
Cần có sự hỗ trợ về khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm; cần sự hỗ trợ của nhà băng, của các tổ chức tín dụng để có nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình tạo ra quá trình sản xuất bền vững. Đồng thời cần có sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện để kết nối cho sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đến được tay người tiêu dùng là chính hội viên, đoàn viên của các tổ chức, đoàn thể cũng như người tiêu dùng nói chung.
Nắm bắt được khó khăn đầu ra của các hộ sản xuất nông nghiệp nói chung, bên cạnh hoạt động tín dụng cho phụ nữ vay vốn, Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM còn có các hoạt động cộng đồng để hỗ trợ và phát triển kinh doanh cho thành viên. Từ đầu năm 2015, TYM khai trương và tiếp tục duy trì đến nay điểm giới thiệu sản phẩm (tại 20 Thụy Khuê – Hà Nội) để trưng bày, quảng bá và kinh doanh các mặt hàng do chính những chị em phụ nữ nghèo và thu nhập thấp của TYM tại các địa phương tự sản xuất.
Nhờ đó, các mặt hàng được giới thiệu và nhiều người tiêu dùng Thủ đô biết tới, đánh giá cao, như các mặt hàng đặc sản bánh đa nem, miến dong Khoái Châu, chanh tươi Nghệ An, chè Thanh Sơn, bánh gai Hải Dương, đu đủ sạch Phú Thọ, rau an toàn Phú Bình (Thái Nguyên), nước mắm Cửa Lò (Nghệ An), dầu lạc nguyên chất…
Với mục đích hỗ trợ kết nối và đưa các sản phẩm của thành viên ra các thị trường mới, lớn hơn và có lợi hơn cho thành viên, TYM cũng đã mở chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm thành viên tại Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Nghệ An. TYM cũng hỗ trợ đưa sản phẩm của thành viên ra thị trường bằng nhiều cách khác như tổ chức các buổi hội chợ, đưa sản phẩm của thành viên TYM tới nhiều sự kiện lớn nhằm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, từ năm 2014 và cho đến nay TYM đã hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng thương hiệu cho nhiều nhóm sản xuất kinh doanh như nhóm nước mắm Cửa Lò, Nghệ An; nhóm rau sạch Phú Bình, Thái Nguyên, nhóm chè sạch Thanh Sơn, Phú Thọ và mới đây là nhóm nuôi gà tại Lạng Giang, Bắc Giang. TYM thành lập các chuỗi giá trị và khuyến khích thành viên phối hợp cùng nhau để tăng lợi nhuận như nhóm mua, bán buôn & hình thành các hợp tác xã...