Hỗ trợ liên kết sản xuất, đưa đặc sản vùng hải đảo Lý Sơn vươn xa

15:54 | 14/10/2024;
Cá cơm trắng bạc là nguồn thực phẩm quý giá biển cả trao tặng cho người dân vùng hải đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Qua bàn tay khéo léo của phụ nữ huyện đảo, loài cá này được lên men chiết rút ra một thứ nước giàu đạm, ngả màu cánh gián, hương nồng, vị mặn, được người Việt gọi tên là nước mắm.

Nước mắm Lý Sơn đang dần được nhiều người tiêu dùng khắp mọi miền biết tới. Với phương thức sản xuất thủ công hoàn toàn, nước mắm truyền thống nơi đây được chắt cốt từ cá cơm với thành phần duy nhất chỉ cá và muối, không có các loại phụ gia, hương liệu nào. Đây chính là yếu tố tạo ra chất lượng nước mắm ngon, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng đã làm nên thương hiệu nước mắm cá cơm huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Mặc dù vậy, với giao thông cách trở, là huyện đảo xa đất liền, việc giao thương, xúc tiến thương mại của huyện đảo Lý Sơn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN huyện đảo đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trên đảo khởi nghiệp, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa đảo với đất liền; đưa hàng hóa của chị em tới nhiều địa phương khác.

Trong đó, Hội LHPN huyện hỗ trợ thành lập 2 Tổ hợp tác. Thực hiện phương châm "Mỗi chi Hội tập trung giúp 1 hộ phụ nữ thoát nghèo", Hội đã giúp 10 hộ hội viên phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, trao 10 mô hình sinh kế cho phụ nữ khó khăn khởi nghiệp. Đồng thời giúp 11 phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, cận nghèo (đạt 1010% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra); giới thiệu, đào tạo nghề cho 330 chị; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 36 chị. Cùng với đó, tích cực vận động chị em phụ nữ trên huyện đảo ưu tiên mua sắm, sử dụng các mặt hàng do các chị em khác sản xuất, tích cực tham gia Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Hỗ trợ liên kết sản xuất, đưa đặc sản vùng hải đảo Lý Sơn vươn xa- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất, kinh doanh nước mắm cá cơm và Hải sản khô Lý Sơn, đang giới thiệu quy trình sản xuất nước mắm cá cơm truyền thống của huyện đảo Lý Sơn

Trong đó có mô hình Tổ hợp tác Sản xuất, kinh doanh nước mắm cá cơm và Hải sản khô Lý Sơn, được Hội LHPN hỗ trợ thành lập với các thành viên liên kết chặt chẽ trong sản xuất và cung ứng đặc sản nước mắm cá cơm cho nhiều địa phương khác.

Bà Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng Tổ hợp tác, ngụ tại thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn, cho biết: Trước đây, các thành viên tổ hợp tác vẫn sản xuất nước mắm theo hộ đơn lẻ. Nguồn vốn, nhân lực và đầu ra của mỗi hộ khác nhau nên chi phí sản xuất, lợi nhuận phập phù, thiếu tính ổn định. Từ ngày thành lập Tổ hợp tác, chị em đều nhận thấy thế mạnh khi tham gia vào mô hình kinh tế tập thể. 

Các hộ gia đình cùng chung sức, dồn nhân lực vào làm khiến năng suất nâng cao, mỗi chai nước mắm sản xuất ra có chất lượng đồng đều hơn. Đặc biệt, khi cùng liên kết và tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, thì giá bán ổn định, tránh bị ép giá hơn so với trước.

Hỗ trợ liên kết sản xuất, đưa đặc sản vùng hải đảo Lý Sơn vươn xa- Ảnh 2.

Các công đoạn sản xuất nước mắm đều làm thủ công

Nhờ vậy, phụ nữ đảo Lý Sơn cũng yên tâm tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản này. Bà Nguyễn Thị Lan cho biết: Nước mắm Lý Sơn được chế biến chiết xuất từ những loại cá cơm tươi ngon đánh bắt gần bờ và xa bờ ở ngay huyện đảo Lý Sơn. Nên cá được đánh bắt về vẫn con rất tươi, sơ chế trực tiếp và đưa vào làm mắm nên có vị thơm ngon đặc biệt.

Hỗ trợ liên kết sản xuất, đưa đặc sản vùng hải đảo Lý Sơn vươn xa- Ảnh 3.

Dán nhãn sản phẩm, khẳng định thương hiệu, bản quyền nước mắm truyền thống của phụ nữ huyện đảo Lý Sơn

Bí quyết đặc biệt của phụ nữ Lý Sơn làm nước mắm là ở cách lựa cá cơm. Cá được rửa bằng nước biển thật sạch, ủ chượp theo công thức 3 cá - 1 muối được trộn thật đều trước khi đưa vào chượp. Mặt trên cùng được phủ lên một lớp muối, dùng thanh dằn nén chặt thùng làm cho cá ép thành một khối, sau đó đổ nước bồi vào phủ mặt chượp, nhưng không ngập mặt thùng phòng trường hợp cá no hơi làm tràn nước.

Trong 3 tháng đầu, thỉnh thoảng kéo rút để tránh nước bị tràn, đặc biệt không để nước lã rơi vào chượp. Sau thời gian 12 tháng thu được thành phẩm nước mắm cốt cá Cơm nguyên chất, không chất bảo quản, giá trị dinh dưỡng cao…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn