Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam chỉ có 27% rác thải nhựa được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Đáng chú ý, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ước tính hơn 30% lượng rác thải tại Việt Nam được thu gom nhờ lực lượng lao động phi chính thức, mà trong đó phụ nữ chiếm phần lớn. Có thể nói, lao động nữ làm nghề thu nhặt ve chai, thu gom rác thải chính là những "chiến binh xanh" thầm lặng trực tiếp, góp phần bảo vệ môi trường.
Nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và cải thiện điều kiện làm việc, an toàn, sức khỏe, cuộc sống cho các lao động nữ, từ năm 2021, Unilever Việt Nam hợp tác cùng VietCycle phát động chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa".
Trong hai năm qua, chương trình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: thu gom và xử lý rác thải nhựa; giáo dục và truyền thông và nâng cao năng lực, hỗ trợ lao động ve chai phi chính thức.
Qua đó, hơn 20.000 tấn rác thải nhựa được phân loại, thu gom và tái chế; hơn 150 cơ sở thu gom rác thải nhựa được thành lập. Dự án đã kết nối, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho hơn 2.500 lao động ve chai tự do.
"Trong hơn 2 năm qua, Dự án "Hồi sinh rác thải nhựa" đã hỗ trợ hơn 2.500 lao động ve chai cải thiện điều kiện sống và lao động, cung cấp thiết bị bảo hộ lao động, sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân hằng tháng.
Dự án "Hồi sinh rác thải nhựa" góp phần trao quyền, trao cơ hội cho phụ nữ phát triển, tạo giá trị gia tăng tích cực cho xã hội và cộng đồng, từ đó nâng cao vị thế của nữ giới trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy cam kết bình đẳng giới. Đây cũng là một cam kết quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững mà Unilever luôn theo đuổi", bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ.
Tôn vinh 300 lao động nữ nghề ve chai trong hành trình "Hồi sinh rác thải nhựa"
"Lễ tôn vinh những chiến binh xanh vì một Việt Nam văn minh với rác" vừa được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 300 nữ chiến binh xanh - đại diện cho lực lượng lao động phi chính thức thu gom rác thải. Các cô, các chị làm nghề ve chai, thu gom rác thải nhựa cùng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình lao động, cũng như những mong muốn của bản thân. Hơn thế nữa, các cô bác, chị em cũng bày tỏ niềm vui, hạnh phúc khi công việc của mình dần được xã hội ghi nhận.
Bà Lê Thị Lương (58 tuổi, lao động thu gom tự do) chia sẻ về những tác động tích cực mà chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa" mang lại trong suốt 2 năm qua:"Khi vào đường, ngõ hẻm, chúng tôi hay bị người ta nói này nói kia, nhiều lúc tôi cũng tủi thân lắm. Khi tham gia chương trình, chúng tôi cảm thấy tự tin hơn khi biết công việc của mình là một phần quan trọng của tương lai và xã hội. Lần đầu tiên, chị em chúng tôi được học hỏi cách thức phân loại rác thải và được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động trong quá trình thu gom rác thải nhựa Không chỉ có vậy, chị em tham gia chương trình còn được tặng quà hàng tháng, và động viên tinh thần".
Dịp này, ban tổ chức cũng kêu gọi tìm kiếm giải pháp bền vững, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cổ vũ lối sống xanh trong cộng đồng, còn hướng đến mục tiêu to lớn: góp phần bảo vệ môi trường, vì một Việt Nam xanh hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn