Hỗ trợ nông sản Việt vượt bão Covid-19 (Bài 2): Gian hàng Việt lên sàn thương mại điện tử

07:45 | 29/05/2021;
Thương mại điện tử càng trở nên nhộn nhịp trong bối cảnh dịch Covid-19. Nhiều nông sản Việt đã xuất hiện tại các gian hàng trực tuyến để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng qua kênh phân phối này.

Cùng với kênh phân phối truyền thống, thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả. Kênh phân phối này giúp đưa nông sản Việt từ người sản xuất tới tay người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng, phức tạp.

Từ "giải cứu" nông sản Việt đến hướng đi dài hơi

Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông sản của các tỉnh thành, địa phương gặp khó khăn, tồn đọng nông sản, không tìm được kênh tiêu thụ. Sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp giúp hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Hành tím Vĩnh Châu, nông sản chủ lực của tỉnh Sóc Trăng, sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao là một trong những sản phẩm ở trong tình trạng tồn đọng do thị trường khó khăn. Nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ có những thiệt hại về kinh tế cho các hộ sản xuất, kinh doanh. Trước thực tế đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã triển khai phối hợp với Sàn thương mại điện tử Voso.vn (Viettel Post) và Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng triển khai Chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu thông qua phương thức thương mại điện tử.

Hỗ trợ nông sản Việt vượt bão Covid-19: “Rủ nhau” lên gian hàng Việt trực tuyến (Bài 2) - Ảnh 1.

Hành tím Vĩnh Châu bán trên sàn thương mại điện tử Voso.vn

Các hợp tác xã, hộ nông dân bán hàng tím Vĩnh Châu tại  "Gian hàng Việt trực tuyến" trên sàn thương mại điện tử Voso.vn được trực tiếp hướng dẫn các bước như đăng bán, đóng gói, livestream sản phẩm, lên đơn hàng và vận chuyển tiêu thụ… Sau gần 10 ngày triển khai hỗ trợ tiêu thụ, đã có gần 10.000 đơn hàng đã được đặt. Ước tính sau khi kết thúc vào cuối tháng 5/2021, chương trình có khả năng hỗ trợ tiêu thụ khoảng 150 tấn hành tím cho bà con Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Cùng với hành tím Vĩnh Châu, nhiều sản loại nông sản như mít Thái, dưa hấu, thanh long… đã được hỗ trợ tiêu thụ trên các "Gian hàng Việt trực tuyến", triển khai trên nhiều sàn thương mại điện tử.

Mới đây nhất, các sản phẩm vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương cũng được "lên sàn". Cụ thể: Voso cùng với tỉnh Hải Dương triển khai đưa vải Thanh Hà lên sàn bán với số lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 80 - 100 tấn. Sendo dự kiến hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ vải thiều Thanh Hà trên sàn với nhiều loại, có mức giá từ 18.000 đồng/kg. Kèm theo đó là 1.000 mã miễn phí vận chuyển tối đa 30.000 đồng/đơn hàng. 

Hỗ trợ nông sản Việt vượt bão Covid-19: “Rủ nhau” lên gian hàng Việt trực tuyến (Bài 2) - Ảnh 2.

Vải thiều Thanh Hà đang được bán với nhiều ưu đãi

Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sendo chia sẻ: Việc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử là hướng đi dài hạn để tạo kênh tiêu thụ mới cho nông sản. Đồng thời góp phần mang đặc sản địa phương đến người mua, giúp bà con nông dân chủ động tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình, giảm thiểu tình trạng nông sản cần giải cứu như thời gian vừa qua.

Thực tế cho thấy, ngay từ đầu mùa dịch, các gian hàng Việt đã vào cuộc nhanh chóng trong hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch. Các sản phẩm được lên sàn đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm được minh bạch thông tin, cùng đầy đủ các quy trình canh tác, chăm sóc, thu hái và vận chuyển.

Chuyển đổi số tới hộ gia đình

Từ góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Thành (tỉnh Phú Thọ) nhận xét: "Các loại nông sản được bán trên sàn thương mại điện tử, giúp người dùng dù ở đâu cũng có thể tham khảo, lựa chọn được hàng hóa, nông sản mọi vùng miền. Giá bán trên các sàn công khai, ổn định. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện tại, mua sắm online cũng là cách để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh".

Với những người sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối hiện đại, giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả và đưa người sản xuất từng bước chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Chị Lê Thị Năm (xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: Là một hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, trước đây, chị thường bán hàng trực tiếp và sử dụng thêm zalo, facebook giao tiếp với khách mua. Nhưng từ khi được tham gia tập huấn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, những phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa như chị đã có thể thao tác để đưa nông sản lên sàn, hàng hóa bán được nhiều hơn, đến các tỉnh, thành trong cả nước. 

Hỗ trợ nông sản Việt vượt bão Covid-19: “Rủ nhau” lên gian hàng Việt trực tuyến (Bài 2) - Ảnh 3.

Gian hàng Việt trực tuyến đồng hành, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm thương hiệu Việt

"Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia" là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn "bình thường mới".

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, từ tháng 12/2019, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã triển khai "Gian hàng Việt trực tuyến" trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki. Đây là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, đây cũng là địa chỉ giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí thấp hơn.

Cho tới nay hàng nghìn lượt doanh nghiệp thông qua các sự kiện do Cục Thương mại điện tử phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, Hiệp hội ngành hàng tổ chức đã được tập huấn đào tạo cũng như triển khai chương trình. Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp Việt được lựa chọn kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả đã được phân phối đưa lên phân phối trên sàn thương mại điện tử.

"Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" trên các sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang triển khai cũng là một trong những chương trình quan trọng của "Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn