Ba Trại là một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, Hà Nội. Ngày nay, nhiều hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Mường trong xã đã phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chị Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại, chia sẻ một số kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.
+ Chị có thể chia sẻ đôi nét về tình hình hội viên phụ nữ của xã Ba Trại?
Hiện nay, Hội LHPN xã Ba Trại chúng tôi đang có hơn 2.000 hội viên. Trong đó hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số là 694 người, chiếm hơn 30%.
+ Chị đánh giá như thế nào về hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã?
Đối với xã Ba Trại, là một vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chị em chủ yếu xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế nông nghiệp như trồng và sản xuất chè, chăn nuôi bò và nuôi dê lấy sữa, chăn nuôi gà đồi, chăn nuôi lợn…
Về hiệu quả mô hình phát triển kinh tế, những mô hình này đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho chị em. Trước đây, đời sống rất khó khăn. Đến nay, với sự nỗ lực của chính bản thân chị em và các hộ gia đình, các chị đã tự tin phát triển các mô hình sinh kế và làm chủ kinh tế, có điều kiện để chăm lo cho con cái ăn học, xây dựng kiến thiết nhà cửa…
+ Thời gian qua, Hội LHPN xã Ba Trại đã có những hoạt động gì để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương phát triển kinh tế?
Các chị em hội viên dân tộc thiểu số đã mạnh dạn tham gia mô hình, nghiên cứu để học hỏi và tìm tòi để chọn lĩnh vực đầu tư, phát triển phù hợp. Hội LHPN xã cũng đã quan sát, nhận dạng để hỗ trợ các ý tưởng để phát triển kinh tế từ những thời điểm ban đầu. Chúng tôi đồng hành cùng chị em phụ nữ từ những mô hình nhỏ nhất để làm cho hiệu quả, rồi áp dụng dần lên những mô hình lớn hơn; từ những mô hình chăn nuôi lợn, gà, sau này phát triển thành mô hình chăm nuôi bò sữa… Từ những mô hình cho thu nhập nhỏ lẻ, nhiều chị đã xác định được các mô hình kinh tế mũi nhọn, tập trung phát triển để cải thiện kinh tế gia đình.
Tôi nhận thấy điểm khác biệt lớn nhất là chị em thay đổi nhận thức, kiến thức được nâng cao thông qua các lớp tập huấn kỹ năng làm kinh tế. Từ đó, chị em đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay qua các kênh ngân hàng, các tổ hội nhóm để vươn lên, đầu tư vào những những mô hình sinh kế từ mô hình nhỏ đến mô hình lớn. Những mô hình này hiện đang phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế và bình đẳng giới cho chị em.
+ Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Hội LHPN xã Ba Trại đang và sẽ triển khai các hoạt động gì để hỗ trợ chị em hội viên phụ nữ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm?
Hội LHPN xã đã có các chương trình, kết nối cho chị em đăng ký tham gia các chương trình tập huấn để nâng cao kiến thức bán hàng trên mạng, trên các sàn thương mại điện tử và tham gia các hội chợ, chương trình giới thiệu sản phẩm do địa phương và thành phố Hà Nội tổ chức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu thêm về công nghệ thông tin nhiều hơn nữa để trong tương lai có thể hỗ trợ chị em được nhiều hơn trong việc tư vấn xây dựng thương hiệu, kết nối mạng lưới sản xuất kinh doanh và xây dựng chuỗi sản phẩm của chị em hội viên phụ nữ.
Hiện tại Hội LHPN xã Ba Trại quản lý nguồn vốn ủy thác của ngân hàng CSXH dư nợ 28,3 tỷ đồng; của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 7,5 tỷ.
Trên địa bàn xã đang có các mô hình phụ nữ giúp nhau giảm nghèo gồm: Tiết kiệm lợn nhựa tình thương, Quỹ vì phụ nữ nghèo, Quỹ tổ tự nguyện tiết kiệm tạo vốn nội lực tại chỗ, Góp vốn xoay vòng cho vay không lấy lãi, Tổ đổi công hái chè.
Số phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo tại xã từ năm 2019 đến nay là 14 hộ.
Đến nay xã có 02 hộ nghèo, trong đó có 01 hộ dân tộc. Theo kế hoạch đến tháng 6/2024, trên địa bàn xã Ba Trại sẽ không còn hộ nghèo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn