Nhiều phụ nữ nhập cư đến Hà Nội với hy vọng cải thiện cuộc sống, tuy vậy họ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Môi trường làm việc của phụ nữ trong khu vực phi chính thức thường thiếu an toàn và thiếu cả những quyền lợi cơ bản của người lao động như hợp đồng, bảo hiểm, mức lương xứng đáng. Họ cũng gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Bên cạnh gánh nặng kiếm tiền, phụ nữ nhập cư cùng gia đình còn phải gồng gánh cả trách nhiệm chăm sóc không được trả công khiến họ khó cân bằng cuộc sống và công việc, thiếu thời gian nghỉ ngơi.
Khi dịch COVID xảy đến, họ cũng là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khiến việc tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống càng khó khăn.
Nhưng thách thức luôn đi kèm với cơ hội bởi khi đại dịch đi qua, thương mại điện tử với các phiên bán hàng trực tuyến dần phát triển. Nếu có thể bắt kịp xu hướng, phụ nữ nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức có thể có nguồn thu nhập đáng kể bên cạnh công việc chính hoặc chuyển đổi hoàn toàn sang lĩnh vực kinh doanh. Đây cũng là lí do dự án WODIMO – Phụ nữ ứng dụng công nghệ số tổ chức sự kiện truyền thông dự án kết hợp với hội chợ và livestream với mong muốn mở ra cơ hội hỗ trợ phụ nữ di cư trong thị trường lao động phi chính thức nâng cao thu nhập và cải thiện năng lực tiếp cận dịch vụ công.
Hỗ trợ chị em kinh doanh trực tuyến
Dự án WODIMO - Phụ nữ ứng dụng Công nghệ số - mở ra cơ hội tiếp cận hỗ trợ phụ nữ di cư trong thị trường lao động phi chính thức nâng cao thu nhập và cải thiện năng lực tiếp cận dịch vụ công. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ - thực hiện trên địa bàn Hà Nội và TPHCM trong thời gian từ tháng 5/2023 đến hết tháng 11/2025.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, quản lý dự án từ tổ chức CARE chia sẻ: "Dự án WODIMO mở ra một cơ hội tạo thu nhập khá hơn cho nhóm phụ nữ lao động di cư trong khu vực phi chính thức thông qua các hoạt động hỗ trợ chị em kinh doanh trực tuyến.
Các hoạt động của dự án được thiết kế theo nhu cầu thực tế và khả năng nội tại của các nhóm tham gia.
Thông qua các khóa đào tạo, cầm tay chỉ việc của các chuyên gia đến từ các sàn thương mại điện tử uy tín; từ mạng lưới kết nối các đơn vị cung cấp nguồn hàng có chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ, cùng các chương trình đồng hành cùng người bán, hi vọng trong tương lai không xa phụ nữ di cư tham gia dự án sẽ nâng cao được kỹ năng bán hàng hiệu quả, cải thiện được thu nhập cho bản thân và chất lượng cuộc sống của gia đình".
Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển hỗ trợ phụ nữ Hà Nội (CEWDS), Trưởng ban quản lý dự án nhận định: "WODIMO có tính thiết thực cao, tạo cơ hội cho lao động nhập cư về Hà Nội tăng thu nhập, tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, từ đó ổn định cuộc sống và đóng góp phát triển kinh tế xã hội Thủ đô". Trong thời gian thực hiện, dự án cũng sẽ làm việc với các cơ quan chức năng và thúc đẩy các giải pháp hướng tới tạo điều kiện để nhóm lao động di cư phi chính thức có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ công cơ bản.
Đồng hành cùng phụ nữ còn có một trong những nền tảng bán hàng trực tuyến lớn tại Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia hướng dẫn, chia sẻ những kỹ năng thiết thực để chị em có thể bắt đầu việc kinh doanh theo hình thức livestream.
Theo thông tin chia sẻ tại Hội thảo "Nhóm phụ nữ di cư": Kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ do Hội LHPN Việt Nam thực hiện tại TPHCM trong tháng 03 năm 2022 cho thấy, phụ nữ di cư chủ yếu tham gia vào các công việc làm thuê (36,1%); buôn bán (24,6%); lao động giản đơn (21%); nội trợ (9,1%); công nhân viên chức (9,1%). Về trình độ chuyên môn của phụ nữ di cư chưa qua đào tạo chiếm 83,7%, đào tạo ngắn hạn chiếm 5,7%, phần nhỏ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Về thu nhập trung bình của phụ nữ di cư ở các tỉnh được khảo sát chỉ khoảng 3,1 triệu đồng và 81,8% thu nhập của phụ nữ di cư đều bị giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn