Hỗ trợ phụ nữ tự tin làm kinh tế và phát triển sự nghiệp: Hướng đến bình đẳng giới thực sự

15:40 | 26/03/2021;
Phụ nữ tự chủ kinh tế nhiều năm gần đây đã trở thành một triết lý sống truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người phụ nữ hiện đại. Không chỉ giúp phái đẹp hạnh phúc hơn trong cuộc sống gia đình, tự chủ kinh tế còn là bước khởi đầu vững chắc để phụ nữ tự tin hướng đến bình đẳng giới thực sự. Bởi một khi đã tự tin theo đuổi đam mệ và viết nên câu chuyện của chính mình, người phụ nữ sẽ làm chủ cuộc sống của bản thân và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cộng đồng.

Quyền lực kinh tế - một yếu tố quan trọng trong thước đo bình đẳng giới

Có một thực trạng là tỷ lệ lao động nữ Việt Nam hiện nay đã đạt đến trên 70%, nhưng phần lớn được tuyển dụng cho các công việc ít quan trọng, thu nhập thấp ở các vùng nông thôn hoặc các vùng kinh tế phi chính thức. Công việc của phụ nữ cũng thường bấp bênh và ít được bảo vệ hơn so với nam giới (1). Khi phụ nữ không có việc làm và thu nhập ổn định, họ sẽ dễ bị tổn thương, khó cơ cơ hội đạt được vị trí vững vàng trong gia đình và xã hội.

Để đạt được bình đẳng giới, một trong những tiền đề quan trọng là sự bình đẳng về cơ hội phát triển kinh tế. Một đất nước muốn phát triển cần phải có sự đóng góp về lao động và kinh tế từ tất cả các giới và thành phần khác nhau trong xã hội. Thực tế cho thấy rằng trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo cơ hội cho họ có được việc làm và thu nhập tốt là đòn bẩy hiệu quả nhất để xóa đói giảm nghèo. Khi phụ nữ chủ động về kinh tế, có tiếng nói và vị trí vững vàng trong gia đình, tình trạng bạo lực giới sẽ giảm đáng kể, phụ nữ sẽ càng có cơ hội mở rộng các mối quan hệ cộng đồng, tham gia vào các mạng lưới phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như góp phần xây dựng văn minh xã hội.

Trong khi nhiều phụ nữ ở thành thị hiện nay đã đạt được tự chủ về kinh tế thì số đông phụ nữ ở nông thôn vẫn còn đang bị phụ thuộc do nhiều nguyên nhân như: Bản thân họ chưa có động lực để tự bắt tay làm kinh tế, cũng như không được đào tạo các kỹ năng cần thiết, và không có nguồn kinh phí. Một kết quả khảo sát cho thấy có đến 73% phụ nữ Việt thừa nhận thiếu kỹ năng và kiến thức là khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp (2).

Đó chính là lý do Unilever Việt Nam, nhãn hàng Sunlight phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế". Chương trình có 3 hoạt động chính: Chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng; cung cấp khóa đào tạo miễn phí về kỹ năng khởi sự doanh nghiệp nhỏ; cuối cùng là cuộc thi ý tưởng kinh doanh nhằm hỗ trợ nguồn vốn ban đầu giúp chị em hiện thực hóa ước mơ sau khóa học.

Các cuộc nói chuyện truyền cảm hứng và giao lưu với những phụ nữ khởi nghiệp thành công, đã khích lệ chị em phụ nữ tự tin với khả năng kinh doanh của mình. Tiếp theo, chương trình cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng, từ các kiến thức về lựa chọn ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh; cách bán hàng, quản lý nguồn vốn và lợi nhuận, đến cách giao tiếp và tư vấn khách hàng hiệu quả; cách quản lý thời gian…

Thay đổi cuộc sống của người phụ nữ

Được phát động từ tháng 10/2020, sau 5 tháng hoạt động không ngừng nghỉ xuyên suốt tại 10 tỉnh thành (bao gồm: Bến Tre, Đồng Tháp, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nội và Quảng Bình), chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế" đã truyền cảm hứng tự tin kinh doanh đến 1.600 phụ nữ, đào tạo 780 người. Trong số đó có 368 dự án đã tham gia thi khởi nghiệp và cho đến nay, 60 phụ nữ đạt giải đã được hỗ trợ cấp vốn kinh doanh từ chương trình. Hơn 300 dự án còn lại được tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ Tài chính Vi mô do Unilever tài trợ sáng lập và Hội LHPN quản lý.

Hỗ trợ phụ nữ tự tin làm kinh tế và phát triển sự nghiệp: Hướng đến bình đẳng giới thực sự - Ảnh 1.

Bà Trịnh Mai Phương, Phó Chủ tịch phụ trách Nhân sự của Công ty Unilever Việt Nam

Hơn thế nữa, chương trình đã thành công lan tỏa niềm tin đến hàng triệu phụ nữ Việt, rằng bên cạnh vai trò làm vợ, làm mẹ, họ còn có nhiều tiềm năng để phát triển, đóng góp cho gia đình và xã hội.

Chia sẻ về chương trình cũng như mối quan hệ hợp tác với Unilever trong 15 năm qua nhằm nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ Việt, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: "Chương trình hợp tác với Unilever là một chương trình chiến lược, bền vững, trên cơ sở tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và cùng lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo cho hoạt động của mình. Đặc biệt, chương trình Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế là chương trình mới được triển khai từ năm 2020 nhưng rất hiệu quả và giúp đỡ được rất nhiều phụ nữ tự chủ về kinh tế. Chúng tôi mong muốn được mở rộng quy mô của chương trình này để ngày càng có nhiều phụ nữ hơn nữa được hưởng lợi và cải thiện cuộc sống của mình".

Trong 15 hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam, chương trình đã tiếp cận và nâng cao chất lượng cuộc sống cho 3,5 triệu lượt phụ nữ trên cả nước. Hiện tại, đã có đến 50.000 phụ nữ được vay vốn từ Quỹ Tài chính Vi mô của Unilever và Hội.

Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển sự nghiệp

Unilever cũng chứng tỏ sự nhất quán trong giá trị cốt lõi của mình khi đồng thời thực hiện nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc và khuyến khích các doanh nghiệp khác làm điều tương tự. Những nỗ lực này nhanh chóng được đánh giá cao tại giải thưởng "Tăng cường quyền năng kinh tế của Phụ nữ tại châu Á" (WEPs) (3) khi Unilever trở thành công ty Việt Nam duy nhất đạt giải tại hạng mục "Bình đẳng giới tại nơi làm việc" của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Giải thưởng WEPs ghi nhận nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới của lãnh đạo và công ty đối với người lao động, khách hàng và đối tác của họ, đồng thời truyền cảm hứng cho các công ty và lãnh đạo khác cùng hành động nhằm mang lại tác động rộng lớn hơn.

Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến của khu vực về các nguyên tắc tối ưu của Unilever Việt Nam khi tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ làm việc và phát triển sự nghiệp, bà Trịnh Mai Phương, Phó Chủ tịch phụ trách Nhân sự của Công ty Unilever Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất tự hào với tỉ lệ nam nữ 50:50 ở cấp quản lý trong suốt nhiều năm qua. Để làm được điều này, Unilever đã cam kết thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và nhất quán thực hiện các chính sách nhân sự chú trọng đến yếu tố bình đẳng giới trong việc thu hút, tuyển dụng nhân tài, xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho nữ giới tại nơi làm việc. Hơn thế nữa, chúng tôi mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác, các doanh nghiệp để lan tỏa rộng rãi những thông điệp và cách thực hành nhằm giúp mọi phụ nữ Việt Nam được phát triển tối đa tiềm năng của mình".

Cũng theo bà Mai Phương, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid 19 vừa qua, Unilever đã tạo điều kiện để các nhân viên, đặc biệt là nhân viên nữ được làm việc ở nhà ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra, và khi tình hình dịch ở Việt Nam đã được khống chế. Hơn nữa, Tập đoàn đã xây dựng nhiều chính sách ngăn chặn nạn bắt nạt và quấy rối tại công sở, thiết lập đường dây nóng để trợ giúp nữ giới. Bên cạnh đó, còn có các chương trình an sinh, đào tạo… dành riêng cho nhân viên nữ tại nơi làm việc.

--------

Nguồn tham khảo:

1. Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) năm 2021: https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_775480/lang--vi/index.htm

2. Theo khảo sát được thực hiện bởi Kantar Việt Nam và Google năm 2020

3. Chương trình "Tăng cường quyền năng kinh tế của Phụ nữ tại châu Á" (WEPs) do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Liên hiệp châu Âu (EU) hợp tác cùng Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn