Hỗ trợ phụ nữ yếu thế bằng... áo dài

19:39 | 02/03/2019;
Những người phụ nữ yếu thế sẽ được hỗ trợ tạo công ăn việc làm thông qua việc học nghề làm áo dài ở điểm Du lịch Văn hóa tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.

Chiều 1/3/2019, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thụy Khuê, Hà Nội) đã diễn ra chương trình Tự hào Áo dài Việt. Đây là sự kiện do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp cùng CLB Áo dài Việt Nam tổ chức hướng tới kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (1910-2019). Tham dự sự kiện có bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên BCHTW Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN; bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPNVN; bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; ông Trần Đức Hải – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam; ca sĩ Thái Thùy Linh...

ch-tch-hlh-pnvn-b-nguyn-th-thu-h-b-bi-th-ha-ph-ch-tch-hlh-pnvn-cng-i-din-s-du-lch-v-ntk-trnh-hoi-nam-ang-chia-s-im-n-o-di-du-lch-ti-tt-ph-ph-n-pht-t.jpg
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà (thứ hai từ trái qua), Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải (ngoài cùng bên phải) và NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam 
 

Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn bộ sưu tập áo dài độc đáo Sắc màu phương Đông của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam với sự thể hiện của nhiều người mẫu tên tuổi, trong đó có Hoa khôi Phụ nữ Việt Nam qua ảnh – Miss Photo 2017 Vũ Hương Giang.

2.jpg
Hoa khôi Vũ Hương Giang trình diễn thiết kế trong bộ sưu tập "Phương Đông huyền bí"
 

Bộ sưu tập có 2 phần, phần đầu tiên lấy cảm hứng từ những bức họa sen đậm chất Huế thơ của họa sĩ Nguyễn Đình Dàng. Không chỉ đưa hội họa vào áo dài, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam còn đem cả những tinh hoa của làng nghề truyền thống Việt theo những thiết kế thời trang đương đại. Điểm nhấn của các thiết kế là những họa tiết hoa văn dát vàng, kim hoàn đá quý trên cổ và tay áo, được thực hiện kỳ công bởi các nghệ nhân làng nghề vàng bạc đá quý Kiêu Kỵ, thêu tay Mỹ Đức, kim hoàn Hàng Bạc, Định Công... Để thực hiện những chiếc áo dài này, NTK cùng các nghệ nhân đã thực hiện trong 3 tháng và trị giá của mỗi sản phẩm từ 5.000 USD đến 10.000 USD/bộ.

Phần 2 của bộ sưu tập Sắc màu phương Đông lấy ý tưởng từ tre, trúc với tông màu chủ đạo đầy huyền bí như lam, tím, xanh ngọc cùng các họa tiết hoa văn dân tộc như hoa sen, tre... Tất cả các họa tiết đều được vẽ tay, thêu đính kim hoàn đá quý cầu kỳ trên chất liệu lụa truyền thống. NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết, để thực hiện những thiết kế này, anh cùng hàng trăm nghệ nhân đã phải mất 8 tháng và giá trị của mỗi sản phẩm lên tới 20.000 USD.

ch-bi-th-ha-ph-ch-tch-lin-hip-ph-n-vit-nam-tng-hoa-ntk-nhn-s-kin-t-ho-o-di-vit.jpg
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hoà tặng hoa cho NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam 
 

Không chỉ là màn trình diễn thời trang áo dài, chương trình Tự hào Áo dài Việt do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với CLB Áo dài Việt Nam tổ chức còn hướng tới mục tiêu lớn hơn: Là sợi dây kết nối văn hóa, quảng bá áo dài Việt Nam, quảng bá văn hóa làng nghề và góp phần thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch Việt Nam.

Cụ thể, trong thời gian tới, tại tầng 4, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển sẽ có điểm Du lịch Văn hóa để tôn vinh và giới thiệu tà áo dài Việt. Đây sẽ là địa chỉ trưng bày các tác phẩm áo dài truyền thống, giới thiệu lịch sử phát triển áo dài và là nơi để mọi người trải nghiệm các công đoạn để làm nên một tà áo dài, đồng thời học nghề và khởi nghiệp cùng nghề làm áo dài. Đặc biệt, tại đây sẽ chú trọng đến việc tạo việc làm cho các nhóm phụ nữ yếu thế như phụ nữ bị bạo lực giới, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn...

b-phm-th-hng-giang-gim-c-trung-tm-ph-n-v-pht-trin-ln-gi-li-cm-n-n-cc-b-ban-ngnh-cng-ntk-phi-hp-cng-tt-to-ra-im-n-du-lch-cng-nh-to-c-hi-gip-ch.jpg
Bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển 
 

Chia sẻ thêm về điều này, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết, anh rất quan tâm đến số phận của những người phụ nữ bị bạo hành, bị bắt cóc, khi trở về không tái hòa nhập được với cộng đồng. Khi biết đến Trung tâm Phụ nữ và Phát triển có Ngôi nhà tình thương là nơi nương tựa cho những người phụ nữ yếu thế ở giai đoạn khó khăn, anh đã nghĩ ngay đến việc dạy nghề nhân đạo cho họ. Tùy khả năng của từng người mà dạy về thêu, đính, may hoặc cắt áo dài. “Sau một thời gian, họ có thể có chút vốn và quan trọng hơn là có tay nghề để làm chủ cuộc sống”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói.

 

Để sản phẩm của những người phụ nữ yếu thế nói riêng và áo dài Việt nói chung được biết đến rộng rãi, theo NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, một trong những cách hiệu quả nhất là tạo dựng thành sản phẩm du lịch, kết hợp với tour lữ hành. “Điều rất vui là chúng tôi được các chị lãnh đạo của Trung ương Hội LHPNVN cũng như Sở Du lịch Hà Nội ủng hộ. Sẽ rất hay nếu trong tour của du khách ngoại quốc có một buổi trải nghiệm kiểu mô hình homestay ở Trung tâm Phụ nữ và Phát triển để trực tiếp chứng kiến những người phụ nữ yếu thế làm áo dài”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói.

3.jpg
Ca sĩ Thái Thùy Linh, MC Đại Dương, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và các học trò 
 

Bà Phạm Thị Hương Giang – Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPNVN, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cũng cho rằng, việc kết nối các đơn vị du lịch, lữ hành sẽ góp phần tuyên truyền, giới thiệu, lan tỏa hình ảnh nét đẹp truyền thống đến đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

“Tôi mong muốn rằng sự kiện này sẽ được duy trì và nhân rộng nhằm quảng bá những tinh hoa văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nét đẹp riêng có của người phụ nữ trong tà áo dài Việt”, bà Phạm Thị Hương Giang nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn