Quế Phong là huyện biên giới của tỉnh Nghệ An tiếp giáp với 2 huyện Xăm Tảy và Mường Quắn nước CHDCND Lào. Huyện có 5 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (Thái, Kinh, Mông, Khơ mú, Thổ,...); tổng số hộ trên địa bàn huyện là 16.151 với 74.238 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 90,04%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,12%; hộ cận nghèo chiếm 27,99%.
Một thời nhắc đến Quế Phong là nói đến đói nghèo, lạc hậu và cả ma túy. Trước đây, huyện miền núi này từng là thủ phủ của hoa anh túc, thứ cây độc mọc bạt ngàn, nở tím trời và cũng khiến bao bản làng chìm trong đói nghèo và nạn nghiện hút. Dù hiện tại, đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng so với trước đây, thực sự đã sang một trang mới. Trong hành trình đi lên đó, không thể không nhắc đến vai trò của các cấp Hội LHPN.
Cán bộ Hội LHPN huyện Quế Phong thăm hỏi gia đình hội viên
Bà Sầm Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Phong cho biết: Các cấp Hội tích cực vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại; nắm bắt cụ thể nguyên nhân nghèo để phân công giúp đỡ, phù hợp với từng đối tượng. Theo chỉ tiêu chung toàn tỉnh, mỗi cơ sở Hội giúp đỡ ít nhất 2 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo, ngay từ đầu năm, các Hội cơ sở cũng đã đăng ký, khảo sát giúp đỡ thoát nghèo có địa chỉ và danh sách theo dõi. Giúp đỡ bằng các hình thức như cây giống, con giống, tiền mặt không lấy lãi, thành lập các tổ phường hội, tổ góp vốn xoay vòng, hướng dẫn vay vốn Ngân hàng CSXH…
Điển hình có Hội LHPN thị trấn Kim Sơn đã hỗ trợ 200 con gà giống, thuốc phòng và thức ăn ban đầu cho 2 hộ hội viên tại khối Thái Phong; Hội LHPN xã Tiền Phong tặng mô hình sinh kế chăn nuôi lợn cho 2 hộ hội viên khó khăn ở Chi hội Piêng Cu, mỗi hộ 1 đôi lợn giống với tổng trị giá 6.650.000đ; Hội LHPN xã Thông Thụ tặng 40 con vịt giống cho 2 hộ hội viên nghèo; Hội LHPN xã Đồng Văn tặng mô hình sinh kế nuôi lợn cho 3 hộ trị giá 10 triệu đồng.
Duy trì và phát huy hiệu quả các tổ hợp tác chăn nuôi lợn đen tại bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch; tổ hợp tác chăn nuôi vịt, tổ liên kết chuyên cung cấp cá giống tại xã Châu Thôn; mô hình chăn nuôi lợn tại 13 xã, thị trấn; mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hạnh Dịch, Tri Lễ; mô hình nuôi gà Piêng Lâng tại xã nậm Giải… Kết quả, Hội đã giúp 30 hộ có phụ nữ làm chủ thoát nghèo, thoát cận nghèo theo tiêu chí đa chiều gắn với Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch (vượt 4 hộ so với chỉ tiêu đề ra), trong đó Hội cấp xã giúp được 28 hộ, cấp huyện giúp được 2 hộ.
Hội LHPN huyện Quế Phong trao sinh kế cho hội viên
UBND xã Thông Thụ và Đồng Văn đã chỉ đạo Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An thực hiện Dự án "Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây chè hoa vàng, cây Lùng, cây Mét và cây bon bo" có 8 bản và 420 hộ tham gia (trong đó có 172 hộ của 3 bản: Na Lướm, Na Hứm, Ăng Đừa ở xã Thông Thụ và 248 hộ thuộc 5 bản: Đồng Mới, Piềng Văn- Na Chảo, Mường Hinh, Pù Duộc, Khủn Na ở xã Đồng Văn) để giúp người dân phát triển kinh kế, xoá đói giảm nghèo.
Hội LHPN huyện cũng đã xây dựng mô hình "Tổ hợp tác chăn nuôi lợn bản địa" cho 5 hộ tại bản Ná Lướm xã Thông Thụ với tổng số tiền là 25 triệu đồng (mỗi hộ 5 triệu đồng tương đương với 3 - 4 con lợn giống/hộ). Phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức lớp tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực cho 30 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ kinh doanh.
Phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên mở 10 lớp học nghề cho 344 học viên, trong đó có 3 lớp kỹ thuật trồng rau sạch, an toàn cho 105 chị tại xã Tri Lễ, Mường Nọc, thị trấn; 2 lớp công nghệ thông tin cho 70 học viên tại xã Châu Kim và Tri Lễ; 01 lớp dệt thổ cẩm cho 40 chị tại xã Châu Kim; 2 lớp thú y có 69 chị tham gia tại xã Châu Thôn, Mường Nọc; 2 lớp chăn nuôi cho 60 chị tham gia tại xã Mường Nọc.
Hội LHPN huyện tổ chức Chương trình "Trao quà đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại xã Thông Thụ, trao mô hình sinh kế "Chăn nuôi lợn" cho 5 hộ gia đình hội viên tại bản Ná Lướm với tổng trị giá 25 triệu đồng. Đây cũng là mô hình được Hội LHPN huyện hỗ trợ xây dựng tổ hợp tác trong năm…
Hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ làm giàu để xóa bỏ trồng cây có chứa ma túy ở huyện Quế Phong
Nếu Quế Phong là huyện khó khăn ở Nghệ An thì Mường Lát cũng là huyện miền núi nghèo bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây cũng từng là "thủ phủ" của cây thuốc phiện. Với tinh thần quyết liệt từ các cấp chính quyền, lực lượng biên phòng, Hội LHPN, đặc biệt là các Chương trình 134, 30a... đã triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, giúp bà con dân bản vùng biên "đoạn tuyệt" được hoàn toàn với cây thuốc phiện.
Bà Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát cho biết: Trong năm qua, Hội đã hoàn thành xây dựng 1 Mái ấm tình thương cho chị Sung Thị Xó, bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, với tổng số tiền 57 triệu đồng (Trong đó: 50 triệu đồng do Tòa án nhân dân 2 cấp hỗ trợ; Quỹ "Vì người nghèo" 5 triệu đồng; các cá nhân 2 triệu đồng) và vận động hỗ trợ xi măng, một số vật dụng.
Kết quả kiểm tra việc xây dựng nhà ở Đại đoàn kết tại thị trấn Mường Lát với 9/9 hộ: Số ngôi nhà được kiểm tra cơ bản đã hoàn thành (60 triệu đồng/1 ngôi nhà). Đồng thời thành lập được 2 Câu lạc bộ "Phụ nữ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông" (bản Pom Khuông, xã Tam Chung và bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn).
Tiếp tục duy trì, lan tỏa Chương trình "Mẹ đỡ đầu - hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi", các cơ sở Hội tiếp tục ra mắt các nhóm "Mẹ đỡ đầu" nỗ lực kết nối các nhà hảo tâm, các tổ chức, các nguồn lực để giúp đỡ trẻ mồ côi trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, đã kết nối, giúp đỡ được 57 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, các cháu nhận được hỗ trợ từ 300.000 - 650.000 đồng/tháng; Nhân dịp khai giảng năm học mới, Hội đã tổ chức thăm hỏi, động viên và trao 20 suất quà (200.000 đ/suất) cho các cháu mồ côi đặc biệt khó khăn.
Sự quan tâm của Hội LHPN đã giúp đời sống của hội viên vùng biên giới có nhiều khởi sắc
Rà soát, đề nghị hỗ trợ 1 mô hình sinh kế (chăn nuôi lợn đen sinh sản) tại bản Na Tao, xã Pù Nhi cho 10 chị hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số vốn 100 triệu đồng từ Chương trình nhắn tin "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"; thành lập 1 Hợp tác xã chăn nuôi bò sinh sản tại bản Bóng, xã Mường Chanh với 10 thành viên tham gia (kinh phí 70 triệu đồng).
Dù đã có nhiều đổi thay nhưng bà Hà Thị Nhơn cũng thừa nhận, đời sống, thu nhập của một bộ phận hội viên, phụ nữ ở Mường Lát còn gặp nhiều khó khăn; tỉ lệ lao động nữ được đào tạo còn thấp, định kiến giới, bạo lực gia đình còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, các cấp Hội LHPN sẽ quyết tâm khắc phục, đưa đời sống của hội viên nói riêng và các gia đình nói chung lên một bước mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn