Trong khuôn khổ dự án "Cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Đà Bắc và Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình" được đại sứ quán của Ireland tại Việt Nam tài trợ, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình phối hợp với tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức thành lập 10 mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ và người dân thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo lồng ghép với các hộ gia đình phát triển kinh tế tiêu biểu tại 2 xã Quyết Thắng, xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn.
Dự án thực hiện với mục tiêu nhằm hướng dẫn liên kết, gắn kết các thành viên trong xã thành lập được tổ nhóm sinh kế qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế cho gia đình, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.
Để phát triển duy trì bền vững và phát triển tốt các mô hình sinh kế, dự án hướng tới việc để cộng đồng làm chủ, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và người dân thông qua tổ nhóm và hướng dẫn thành viên nhóm tự quản lý hoạt động của nhóm. Qua đó, các thành viên có thể học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế mô hình, giúp thành viên mô hình nâng cao năng lực quản lý và xác định mô hình kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Trong thời gian tới, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam dự kiến cấp khoảng 1 tỷ đồng nguồn để hỗ trợ hoạt động sinh kế sau khi các tổ nhóm đã xác định được nhu cầu và lựa chọn được các mô hình sinh kế phù hợp với khả năng của các thành viên và tình hình thực tiễn tại địa phương.
Chị Bùi Thị Yến (hội viên phụ nữ xóm Rểnh, xã Miền Đồi) chia sẻ: "Hiện nay chúng tôi đang rất khó khăn trong việc phát triển kinh tế gia đình, người dân tại xóm chúng tôi đang loay hoay trong việc tìm kiếm nguồn lực và loại hình sinh kế phù hợp để phát triển nhưng chưa biết phải làm như thế nào. Đến nay, có sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh và tổ chức CARE chúng tôi sẽ quyết tâm lựa chọn những thành viên tích cực, có khả năng để phát triển kinh tế phù hợp với tiêu chí để thực hiện tốt hoạt động này. Hy vọng, với sự hỗ trợ này và sự nỗ lực của các thành viên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cải thiện được đời sống của gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương".
Các tổ nhóm được lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với khả năng của các thành viên và tình hình thực tiễn tại địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Thía, cán bộ dự án phụ trách mảng sinh kế bền vững, cho biết: Dự án đi vào hoạt động, các hộ gia đình trong thôn được tham gia thảo luận lựa chọn loại hình sinh kế phù hợp với điều kiện tại địa phương. Những mô hình này đều là mô hình có tính khả thi, tạo thu nhập cho phụ nữ. Tham gia các hoạt động có 70% là các hộ gia đình nghèo và cận nghèo, gia đình có người khuyết tật phụ nữ đơn thân và một số hộ gia đình có khả năng phát triển kinh tế để tổ chức thực hiện các hoạt động sinh kế tại địa phương
Ông Nguyễn Đức Thành, quản lý dự án CARE quốc tế Việt Nam tại Hòa Bình, cho biết: Mô hình sinh kế như một dự án thu nhỏ của cộng đồng, qua đó thúc đẩy được nhạy cảm giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần nâng cao năng lực quản lý và phát triển kinh tế cho phụ nữ. Trong quá trình thực hiện các hoạt động của tổ nhóm sinh kế, dự án khuyến khích tổ chức sinh hoạt tổ nhóm trên các nhóm zalo hoặc các nền tảng xã hội để cập nhật thường xuyên các hoạt động của nhóm sinh kế đó, để chia sẻ, họ hỏi kinh nghiệm thường xuyên.
Sau khi xác định được nhu cầu và khả năng của từng tổ nhóm sinh kế, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình và tổ chức CARE sẽ tiến hành các hoạt động hỗ trợ để các nhóm sinh kế triển khai các hoạt động phát triển sinh kế của nhóm, giải quyết các vấn đề cấp thiết về việc làm và phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc yếu thế tại 2 xã Quyết Thắng và Miền Đồi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn