Hỗ trợ trường mầm non, tiểu học ngoài công lập: Cần sự quan tâm thiết thực hơn

17:19 | 10/05/2022;
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định về tín dụng cho các trường mầm non, tiểu học tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một số chủ trường mầm non ở Hà Nội bày tỏ niềm vui trước sự quan tâm kịp thời của Chính phủ nhưng cho rằng mức vay vốn ưu đãi theo quyết định này chưa thể tháo gỡ những khó khăn họ đang phải đối diện.

Được vay 80 đến 200 triệu đồng

Theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg, mức vốn cho vay tối đa là 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục và tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên phương án vay vốn. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, với lãi suất cho vay 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Nguồn vốn cho vay theo Quyết định này tối đa là 1.400 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31/12/2023 hoặc thời điểm hết nguồn vốn cho vay, tùy theo điều kiện nào đến trước.

Theo Quyết định này, đối tượng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay đối với mức vay đến 100 triệu đồng. Nếu vay ở mức lớn hơn 100 triệu đồng sẽ phải có đảm bảo theo quy định. Vốn vay này sẽ dùng vào việc sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động. Việc cho vay trên chỉ áp dụng với cơ sở được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật và là đối tượng phải dừng hoạt động do dịch Covid-19 từ 1 tháng trở lên tính đến thời điểm vay vốn.

Một số chủ trường mầm non ở Hà Nội bày tỏ niềm vui về sự quan tâm đúng lúc của Chính phủ nhưng cho rằng mức vay vốn ưu đãi trên chỉ như muối bỏ bể so với những khó khăn họ đang phải đối diện.

"Được vay ưu đãi bao nhiêu cũng tốt nhưng thủ tục khá phức tạp nên nhiều chủ trường không muốn vay ưu đãi mà có thể huy động từ nguồn khác, ví dụ kêu gọi thêm cổ đông tham gia".

Chị Nguyễn Thanh Huyền, quản lý hệ thống mầm non Ong Việt (Hà Nội)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi dự thảo mức vay trên trình Chính phủ, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu với cấp học mầm non, tiểu học, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đầu tư cho 1 phòng học là 800 triệu đồng/lớp mầm non và 500 triệu đồng/lớp tiểu học. Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ bằng 10% kinh phí so với đầu tư mới, vì mục tiêu của việc vay vốn chỉ là sửa chữa, nâng cấp. Nhưng trên thực tế tại Hà Nội, khi trường học phải đóng cửa gần 1 năm, nhiều cơ sở mầm non phải đầu tư mới hoàn toàn, thậm chí đi thuê lại mặt bằng khác do mặt bằng cũ đã phải chuyển nhượng hoặc hoàn trả khi dừng hoạt động quá lâu.

"Thuê lại cơ sở khác, chúng tôi phải cải tạo lại rất nhiều để phù hợp với lớp học mầm non, đảm bảo an toàn cho trẻ. Chi phí cho một phòng học bao gồm mặt bằng dạy học, công trình phụ, vệ sinh, tiết kiệm cũng trên 100 triệu đồng/phòng. Nên chỉ được vay như trên là rất ít. Chúng tôi nói vui đó là khoản vay tinh thần", chị Huyền Anh, chủ một cơ sở mầm non tư thục tại Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết.

Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính

Theo cô Đinh Thị Phương Lan, Quản lý hệ thống mầm non Thăng Long Academy (Hà Nội), sau đại dịch, giáo dục mầm non tư thục cần những chính sách hỗ trợ để các trường khắc phục và phát triển bền vững hơn việc cho vay vốn với mức thấp như hiện nay. "Cơ sở mầm non tư thục không phải doanh nghiệp thuần tuý. Trên thực tế khối trường tư thục đã gánh vác một trách nhiệm lớn, đáp ứng từ 30% đến 40% nhu cầu gửi trẻ mầm non. Việc này thấy rõ nhất ở những đô thị đông dân cư như Hà Nội, TPHCM. Vì thế, với những cơ sở bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí ở bên bờ vực phá sản, cần được hỗ trợ bằng những chính sách thiết thực hơn. Ví dụ được vay vốn không phải thế chấp tài sản. Hoặc chí ít mức vay chưa phải thế chấp tài sản lớn hơn 100 triệu đồng, như Quyết định của Chính phủ", cô Phương Lan cho biết.

Cô Hoàng Thúy Hằng, phụ trách hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội), chia sẻ quan điểm: Sự hỗ trợ cho mầm non tư thục, đôi khi chỉ là được đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư trong các quy định về quản lý chuyên môn. "Điều quan trọng nhất là trường học được mở cửa trở lại thì các cơ sở giáo dục có thể xoay xở tự cứu mình. Nhưng nhìn từ 2 năm đại dịch thì thấy, trong các quyết định liên quan tới đại dịch, trường học, đặc biệt là trường mầm non được xếp sau nhiều thứ khác. Tôi chỉ mong việc này sẽ được thay đổi".

Liên quan tới thủ tục hành chính, một chủ trường đang tính xin cấp phép thành lập trường mầm non tại quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết: "Chúng tôi muốn thành lập trường thì địa chỉ mà trường hoạt động phải là đất dành cho hoạt động giáo dục, quy hoạch hoạt động giáo dục nhưng hiện nay tìm đâu ra đất quy hoạch cho giáo dục. Trong trường hợp chúng tôi thuê nhà cũng không thể chuyển đổi công năng từ đất ở sang đất giáo dục được. Việc xin cấp phép vì vậy đang vướng. Những vấn đề như thế này rất cần được rà soát, để điều chỉnh trên tinh thần hỗ trợ các nhà trường vượt qua khó khăn do đại dịch. Điều đó cần hơn một khoản vay ít ỏi".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn