Theo bà Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình cho biết: Chăm lo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống là nhiệm vụ được các cấp Hội LHPN trong tỉnh quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức. Trong đó, Hội huy động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Có thể kể đến những mô hình như: Duy trì, phát triển mô hình tổ tín dụng tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, vốn nhàn rỗi trong HVPN, tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo. Hàng tháng, các tổ sinh hoạt lồng ghép chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích về chăn nuôi, trồng trọt; trợ giúp vốn ưu đãi dưới hình thức bảo lãnh tín chấp từ nguồn vốn các ngân hàng nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, mở mang ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nữ nông thôn...
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh triển khai, chỉ đạo mạng lưới Hội các huyện, thành phố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH, hoạt động tiết kiệm tín dụng, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo nông thôn mà đối tượng thụ hưởng là HVPN. Tính đến ngày 28/2/2023, tổng dư nợ ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH đạt 1.174,9 tỷ đồng/18 chương trình tín dụng với 26.658 hộ vay vốn; tổng dư nợ tiền gửi tổ tiết kiệm và vay vốn trên 32 tỷ đồng/27.130 tổ viên. HVPN hiện quản lý 680 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh quan tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao KH-KT trong sản xuất nông nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm... nhằm giúp chị em tìm được việc làm phù hợp với sở trường, nguyện vọng, mang lại thu nhập khá, cải thiện đời sống. Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn cho 210 cán bộ hội, chi hội trưởng về công tác giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại các huyện: Lạc Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi; phối hợp tổ chức 15 lớp chuyển giao KH-KT cho trên 570 lượt HVPN.
Mặt khác, triển khai thực hiện Đề án số 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" đã tạo bước đột phá trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh trong giai đoạn mới.
Năm 2022, các cấp Hội tổ chức 6 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, nghiệp vụ cho vay ủy thác Ngân hàng CSXH, công nghệ thông tin cho 206 chị là cán bộ Hội LHPN tỉnh, huyện, cơ sở, tổ trưởng tổ vay vốn; hỗ trợ thành lập 14 mô hình kinh tế tập thể; thành lập 5 gian trưng bày trên 20 sản phẩm do phụ nữ làm chủ sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP; tổ chức trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ 21 gia đình kích hoạt gian hàng với 7 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử Postmart; mở 2 gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ và sản phẩm OCOP tại huyện Lạc Sơn; tổ chức cuộc thi "Khởi nghiệp từ rác”…
Với tinh thần tương thân, tương ái, Hội Phụ nữ đã trao 15 con bò sinh sản cho 15 HVPN nghèo, khuyết tật trị giá 450 triệu đồng; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận vốn vay Ngân hàng CSXH cho 11 chị; thành lập mô hình "Trao bò giống tạo sinh kế”; tổ chức thăm hỏi, tặng quà phụ nữ, trẻ em, gia đình chính sách trên 2.480 suất quà, trị giá trên 270 triệu đồng; thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các cấp Hội ủng hộ trên 359 triệu đồng…
Đa dạng hoạt động thiết thực, trong năm 2022, các cấp Hội đã giúp 3.215 hộ có phụ nữ nghèo, cận nghèo bằng các hình thức với tổng giá trị quy đổi trên 2,9 tỷ đồng, có 2.741 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn