Xã Quang Tiến nằm cách trung tâm TP Hòa Bình gần 25km. Toàn xã có 1.438 hộ dân với 6.290 khẩu thuộc 3 dân tộc cùng chung sống. Trong số này, đồng bào dân tộc Mường chiếm đến 95,5% dân số của xã.
Theo ông Nguyễn Văn Nam (Chủ tịch UBND xã Quang Tiến), cơn bão số 3 vừa qua, trên địa bàn xã không có thiệt hại về người nhưng kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể.
Đặc biệt, 25ha diện tích lúa của người dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng như gãy đổ, mọc mầm. Với diện tích lúa này, buộc người dân phải thu hoạch sớm nếu không muốn hạt lúa bị nảy mầm.
Những ngày này, giống như nhiều hộ dân khác tại xã Quang Tiến, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thiển (49 tuổi, người dân tộc Mường) đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đổ của gia đình tại cánh đồng nằm sát với đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
Bà Thiển cho biết, cơn bão vừa qua, hơn 2.000m2 diện tích trồng lúa của gia đình bà bị đổ rạp trong giai đoạn đang chín được khoảng 70%. "Sau khi cơn bão số 3 đi qua, trên địa bàn xã Quang Tiến còn có mưa nhiều ngày dẫn đến lúa đang chín bị ngâm nước, nảy mầm, buộc lòng người dân phải thu hoạch sớm dù biết sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất", bà Thiển cho biết.
Cũng theo bà Thiển, với độ chín như hiện tại, trường hợp không gặp bão lũ, thời gian thu hoạch tốt nhất khoảng hơn 1 tuần nữa. Việc thu hoạch lúa sớm khiến bà Thiển lo lắng gia đình bà sẽ không cầm cự nổi qua cái đói mùa giáp hạt. "Lúa năm nay xấu, từ giai đoạn vào đòng đến khi sắp sửa thu hoạch thì gặp mưa bão.
Bình thường, với diện tích lúa trên, nếu thời tiết thuận lợi, gia đình tôi thu khoảng hơn 1 tấn lúa. Tuy nhiên, năm nay, dự thu chỉ rơi vào khoảng hơn 6 tạ. Gia đình tôi có 4 người mà đến tháng 5/2025 mới có lúa để thu hoạch thì chắc chắn chúng tôi không qua được mùa giáp hạt", bà Thiển chia sẻ.
Cùng chung nỗi lo thiếu lương thực giai đoạn mùa giáp hạt, bà Nguyễn Thị Phương (51 tuổi, người dân tộc Mường) thở dài ngao ngán. Bà kể, sau khi cơn bão số 3 qua đi, bà cùng nhiều người dân khác ở xã Quang Tiến ra đồng kiểm tra thì phát hiện diện tích 1.000m2 lúa bị gió đánh đổ rạp, chìm trong biển nước.
Nhìn cánh đồng bao thời gian chăm sóc sắp đến ngày thu hoạch chìm trong biển nước nhưng bà Phương không thể làm gì khác được ngoài chờ đợi nước rút. Do ngâm nước trong thời gian dài nên những diện tích lúa nhà bà Phương cũng có chỗ lên mầm. Cực chẳng đã, vợ chồng bà phải thu hoạch lúa non để vớt vát.
"Tôi không biết gia đình có qua được mùa giáp hạt hay không. Nhà nông chúng tôi, chỉ trông chờ vào cây lúa mà bây giờ lại rơi vào tình cảnh như này", bà Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nam (Chủ tịch UBND xã Quang Tiến) cho biết, trước mắt, chính quyền xã đã thống kê diện tích lúa, hoa màu cũng như tài sản của người dân báo cáo lên cấp trên để có phương án hỗ trợ bà con.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn