Theo UN Women, xung đột, bất ổn và bạo lực đang gia tăng, ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2023, hơn 170 cuộc xung đột vũ trang đã được ghi nhận. Có khoảng 612 triệu phụ nữ và trẻ em gái sống trong phạm vi 50 km tính từ các cuộc xung đột này, tăng 50% so với một thập kỷ trước.
Liên hợp quốc đã ghi nhận ít nhất 33.443 thường dân bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang vào năm 2023, tăng 72% so với năm 2022. Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em thiệt mạng tăng gấp đôi và gấp 3 lần.
Ước tính, có 117,3 triệu người trên thế giới đã phải di dời do ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực, cao hơn 70% so với năm 2018. Một nửa số người phải di dời là phụ nữ và trẻ em gái.
Năm 2024, ước tính có 119 triệu trẻ em gái trong độ tuổi đi học và trẻ vị thành niên không được đến trường và hơn 1/4 trong số những trẻ em gái này ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột. Mỗi ngày, 500 phụ nữ ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột tử vong do các biến chứng liên quan đến thai kỳ và sinh nở.
Tỷ lệ các thỏa thuận hòa bình có điều khoản về giới đã tăng lên kể từ những năm 1990. Trong giai đoạn 1990-2000, chỉ có 12% các thỏa thuận hòa bình có đề cập đến phụ nữ. Đến giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ này đã tăng lên 31%.
Tuy nhiên, vào năm 2023, chỉ có 26% các thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn đề cập đến phụ nữ, trẻ em gái hoặc giới.
Trong nhiều tiến trình hòa bình, những người châm ngòi chiến tranh được mời vào bàn đàm phán, trong khi những người tìm kiếm hòa bình thực sự lại bị gạt ra ngoài lề. Bất chấp các cam kết đã đưa ra trong nhiều năm, phụ nữ chỉ chiếm chưa đến 10% số người đàm phán trong hơn 50 tiến trình hòa bình trên thế giới vào năm 2023.
Mặt khác, phụ nữ chỉ chiếm 1/3 số người tham gia các diễn đàn quốc tế, nơi các vấn đề quan trọng như các mối đe dọa của vũ khí hạt nhân, chi tiêu cho quân sự gia tăng, phổ biến vũ khí và đạn dược, vũ khí hóa các công nghệ mới… được tranh luận.
Các nghiên cứu cho thấy, khi phụ nữ tham gia, các thỏa thuận hòa bình sẽ kéo dài hơn và được thực hiện tốt hơn. Ví dụ, tại Yemen, các cuộc đàm phán do phụ nữ lãnh đạo đã mang lại quyền tiếp cận an toàn với nguồn nước cho người dân.
Tại Sudan, 49 tổ chức do phụ nữ lãnh đạo đang thúc đẩy một tiến trình hòa bình toàn diện hơn. Năm 2023, phụ nữ đại diện cho 55% tổng số thẩm phán tại khu vực tài phán đặc biệt vì hòa bình ở Colombia, cho thấy tầm quan trọng của việc đại diện giới trong các thủ tục tố tụng sau xung đột.
Được đưa ra vào năm 2024, kế hoạch trên khuyến nghị rằng tất cả các quỹ tín thác đa đối tác mới đều thiết lập mục tiêu 40% ngân sách cho chương trình bình đẳng giới và huy động 300 triệu USD cho các tổ chức phụ nữ hoạt động trong bối cảnh xung đột và khủng hoảng.
Năm 2023, Quỹ Xây dựng Hòa bình của Liên hợp quốc đã phê duyệt 202,5 triệu USD để hỗ trợ các sáng kiến xây dựng hòa bình tại 36 quốc gia. Trong đó, hơn 95,9 triệu USD được phân bổ cho bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, Quỹ Hòa bình và Nhân đạo của Phụ nữ Liên hợp quốc (WPHF) là cơ chế tài trợ toàn cầu duy nhất dành riêng để hỗ trợ các tổ chức phụ nữ địa phương trong bối cảnh xung đột và khủng hoảng.
Kể từ khi thành lập năm 2016, WPHF đã hỗ trợ hơn 1.300 tổ chức của phụ nữ tại 44 quốc gia đang gặp khủng hoảng.
Năm 2023, Quỹ đã phát động chiến dịch toàn cầu "Đầu tư vào phụ nữ" nhằm mục đích gây quỹ 300 triệu USD vào năm 2025 để hỗ trợ công việc của các tổ chức phụ nữ địa phương đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng ngày càng phức tạp.
Quỹ Sáng kiến Elsie (EIF) nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Kể từ khi thành lập vào năm 2019, EIF đã huy động được hơn 37 triệu USD và hỗ trợ 12 tổ chức an ninh tại 8 quốc gia, cử nữ quân nhân và cảnh sát tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Năm 2023, Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF) đã phân bổ 467 triệu USD (70%) cho các dự án về bình đẳng giới. Tương tự, Các quỹ chung theo quốc gia (CBPF) đã phân bổ 1.025 triệu USD (91%) để thúc đẩy bình đẳng giới trên 16 quốc gia.
Bất chấp những nỗ lực này, vẫn tồn tại khoảng cách tài trợ lớn khi 75% nguồn tài trợ được yêu cầu để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trong các cuộc khủng hoảng vào năm 2023 đã không được thực hiện.
Trong khi chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức kỷ lục 2,44 nghìn tỷ USD vào năm 2023 thì nguồn tài trợ cho các tổ chức và phong trào ủng hộ quyền phụ nữ trung bình chỉ chiếm 0,3% tổng viện trợ hàng năm.
Báo cáo của UN Women kết luận rằng, phải có hành động chính trị mạnh mẽ và tăng nguồn tài trợ thì sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong hòa bình và an ninh mới trở thành hiện thực.
13 tổ chức khu vực và tiểu khu vực đã thông qua các kế hoạch hành động hoặc chiến lược để đẩy nhanh tiến độ Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh; cải thiện việc giám sát kết quả thực hiện của các quốc gia thành viên.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều quốc gia xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động về hòa bình và an ninh cho phụ nữ. Tính đến năm 2024, ít nhất 13 quốc gia có kế hoạch như vậy, bao gồm Bosnia và Herzegovina, Colombia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Iraq, Kenya, Liberia, Mali, Nigeria, Philippines, Serbia, Somalia, Ukraine và Uganda.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn