Xã Khoan Dụ (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) là địa bàn nằm ven sông Bôi, tình trạng trẻ em tắm sông còn khá phổ biến, có nguy cơ cao xảy ra đuối nước... Xuất phát từ thực tế đó, với mong muốn xây dựng làng quê an toàn cho trẻ em, Hội LHPN xã Khoan Dụ đã phối hợp với Công an xã xây dựng mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em".
Bà Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Khoan Dụ, cho biết: Đây là địa bàn có tuyến tỉnh lộ 438A chạy qua, lại tiếp giáp với sông Bôi, gần với thị trấn Chi Nê. Những yếu tố đó tạo thuận lợi cho địa phương giao lưu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có nhiều vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội (TTATXH) và chăm sóc bảo vệ trẻ em (CSBVTE). Như việc trẻ em bị dụ dỗ mắc vào các tệ nạn xã hội (TNXH); nguy cơ bị xâm hại tình dục (XHTD), tai nạn thương tích (TNTT), đuối nước...
từ thực tế đó, mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" được xây dựng và triển khai thực hiện thời gian qua được xem là một mô hình phù hợp, hiệu quả với thực tế tại địa phương. Với tôn chỉ mục đích hỗ trợ các thành viên nâng cao kiến thức và kỹ năng trong phòng chống bạo lực gia đình, XHTD trẻ em, phòng chống TNXH; phòng chống TNTT và đuối nước ở trẻ em..., mô hình đã thu hút ngày càng nhiều các hộ gia đình tham gia. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ban Chủ nhiệm các mô hình đã phối hợp với Hội LHPN, Công an xã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, XHTD trẻ em, phòng chống TNTT, đuối nước... bằng hình thức sân khấu hóa, đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó, công tác quản lý, giáo dục con em tại các gia đình được chú trọng; ý thức, nhận thức pháp luật của người dân liên quan đến công tác CSBVTE được nâng lên; các gia đình cũng đã thường xuyên quan tâm, bảo ban, nhắc nhở con em thực hiện các biện pháp an toàn, phòng tránh TNTT và đuối nước...
Cũng giống như Khoan Dụ, xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy) là địa phương tiếp giáp với sông Bôi, có nhiều công trình thủy lợi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước, nhất là đối với trẻ em. Xuất phát từ thực tế này, Đoàn thanh niên đã phối hợp với lực lượng Công an xã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhằm xây dựng "Làng quê an toàn cho trẻ em". Điển hình như tổ chức các buổi sinh hoạt chi đoàn về phòng chống TNTT và XHTD trẻ em; mở lớp dạy bơi miễn phí; cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu, nguy hiểm...
Do trên địa bàn xã Nhuận Trạch (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) có hồ thủy lợi Đồng Chanh nên thường xuyên xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Ngoài việc cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm, cấm bơi lội, UBND xã còn cử cán bộ thường xuyên có mặt tại khu vực hồ để cảnh báo, nhắc nhở người dân, nhất là trẻ em không tắm tại hồ để đảm bảo an toàn, phòng tránh đuối nước...
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
Theo bà Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hòa Bình, mặc dù các cấp các ngành, các địa phương đã cố gắng, nỗ lực xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, tuy nhiên do điều kiện địa bàn rộng, nhiều ao hồ, sông suối; điểm vui chơi, giải trí an toàn dành cho trẻ em, nhất là ở các vùng nông thôn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi an toàn cho trẻ, vì vậy vẫn xảy ra nhiều vụ việc XHTD, TNTT thương tâm ở trẻ.
Theo thống kê, trong năm 2021, toàn tỉnh có 303 trẻ em bị TNTT. Trong đó, 39 trẻ tử vong (32 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước, 7 trẻ tử vong do các TNTT khác như điện giật, tai nạn giao thông...). Đáng chú ý, trong đó có nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm như vụ việc xảy ra ngày 22/4/2021 tại hố nước của gia đình anh Bùi Văn T (xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), người dân phát hiện 2 cháu bé là B.T.B.Ng (SN 2017) và B.Th.S (SN 2017) bị đuối nước tử vong. Ngày 31/5/2021, tại Suối Tráng thuộc xã Bắc Phong (huyện Cao Phong) đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 4 trẻ tử vong. Ngày 10/6/2021, tại xóm Vẹ, xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn), gia đình anh B.V.S đi gặt lúa về thì phát hiện 2 con là B.T.Th (SN 2017) và B.T.L (SN 2019) chết đuối dưới ao của gia đình. Ngày 14/11/2021, tại ao của gia đình anh Ng.X.P (xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy) phát hiện 2 cháu Ng.T.M (SN 2015) và Ng.T.D (SN 2019) bị đuối nước tử vong. Ngày 20/12/2021, tại xóm Mới, xã Đồng Chum (huyện Đà Bắc), cháu X.M.K (SN 2019) trong lúc chơi ở sân nhà đã bị ngã xuống ao dẫn đến đuối nước tử vong... Cùng với đó, trong năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ trẻ em bị XHTD với 32 trẻ là nạn nhân. Trong đó, có 15 trẻ là nạn nhân của các vụ hiếp dâm, 10 trẻ là nạn nhân của các vụ dâm ô, 7 trẻ là nạn nhân của các vụ giao cấu. Đáng lên án, có 10 trẻ bị xâm hại khi dưới 6 tuổi, 10 trẻ trong độ tuổi từ 6 đến dưới 13 tuổi bị xâm hại; 12 trẻ bị xâm hại khi đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Linh Ngọc cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc môi trường sống của trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn là do sự chủ quan của nhiều gia đình, thiếu sự quan tâm, chăm sóc trẻ. Cùng với đó, việc quản lý, giám sát trẻ còn lơ là, để trẻ tự do chơi gần những nơi tiềm ẩn nguy cơ về TNTT và đuối nước. Do vậy, việc chăm lo, bảo vệ trẻ em rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, mỗi gia đình, từng người dân trong cộng đồng trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh ngay từ chính mỗi nếp nhà cho con em mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn