Chương trình do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với các đơn vị, các nghệ nhân tổ chức, bao gồm nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản và văn hóa truyền thống để những người tham gia có thêm trải nghiệm bổ ích, thú vị về tết cổ truyền của dân tộc.
Từ nay đến hết ngày 24/2/2018 (ngày 27/1 âm lịch), Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long được chia thành nhiều không gian khác nhau như: khu trưng bày ảnh Tết xưa qua ảnh tư liệu của Bảo tàng Albert Kahn (Cộng hòa Pháp) và tranh khắc gỗ của Henri Oger với những hình ảnh gần gũi như Táo quân, dựng nêu, pháo Tết; khu tìm hiểu các phong tục tết xưa như thờ cúng tổ tiên, khu gói bánh chưng, bầy mâm ngũ quả, làm cỗ Tết, trang trí hoa, đào quất, xông nhà, mừng tuổi, chúc Tết, chơi tranh, du Xuân, xin chữ đầu Xuân….
Tại đây cũng có khu vực dành riêng cho các trò chơi dân gian trong dịp đầu năm như như đi cầu tre, kéo co, bập bênh, đánh đu, ném vòng, nhảy bao bố, xem biểu diễn múa tứ linh…
Đặc biệt, trong những ngày Tết nguyên đán, tại Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa truyền thống như lễ cúng Ông Công, ông Táo, dựng cây nêu, lễ dâng hương khai xuân với nhiều nghi lễ truyền thống và biểu diễn văn nghệ, múa rối nước, võ thuật cổ truyền phục vụ khách du xuân.
Các hoạt động chính của Tết Việt:
*Hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản: – Các hoạt động trưng bày triển lãm: Từ 22/1/2018 – 24/2/2018. – Chương trình Tết Việt dành cho các em thiếu nhi: Từ 22/1/2018 -27/1/2018. *Hoạt động văn hóa truyền thống – Lễ Ông Công Ông Táo, dựng cây nêu (14h Ngày 7/2/2018 – ngày 22 tháng Chạp năm Đinh Dậu). – Biểu diễn múa rối nước (Từ ngày 18/2/2018 đến ngày 20/2/2018 – từ mùng 3 đến mùng 5 tháng Tết Mậu Tuất, mỗi ngày diễn ba suất vào các giờ: 10h00, 14h00 và 16h00). – Lễ dâng hương khai Xuân (Ngày 24/2/2018- mùng 9 Tết Mậu Tuất). |