Những ngày vừa qua, sau khi nhận được thông báo hóa đơn tiền điện, nhiều khách hàng tại Hà Nội bất ngờ vì hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí gấp 2 lần so với các tháng trước đó.
Nhiều ý kiến trái chiều
"Tháng 12, cả tháng nhà mình không đi chơi đâu, hóa đơn tiền điện là 1.264.044 đồng. Tháng 1 và 2 gộp lại: 1 tháng 17 ngày (tính từ 11/01 đến 29/2/2024), trong đó có 7 ngày cả nhà đi chơi nguyên Tết từ mùng 1 đến chiều tối mùng 7 Tết mới về nhà, mà nhận thông báo tiền điện là 2.631.918 đồng".
"Nhà tôi bình thường phải trả 1.400.000 đồng tiền điện, tháng Tết về quê gần 2 tuần mà điện trả tận 4 triệu đồng!".
Bên cạnh những ý kiến thắc mắc, thậm chí bức xúc như trên, có khách hàng khi nhận thông báo thanh toán tiền điện đã bình tĩnh phân tích.
Chị Thanh Huyền (Hà Nội) chia sẻ: "Trên Facebook, nhiều người lo ngại việc tính dồn 2 tháng tiền điện theo lịch ghi chỉ số mới vào cuối tháng (thay vì ngày 4 hàng tháng như trước) mà tiền điện lại trả theo bậc luỹ kế, sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Có người còn bảo EVN Hà Nội tìm cách móc túi khách hàng. Thực tế không phải vậy. Số ngày sử dụng thực tế tăng lên (do kéo dài thời gian ghi chỉ số) thì định mức tính tiền ở từng bậc cũng được tăng lên tương ứng… Như vậy, thực chất là trả gần 2 tháng nên tiền điện nhiều, chứ mình dùng bao nhiêu vẫn trả bấy nhiêu như cách tính hàng tháng; không sợ bị thiệt vì tính tiền luỹ kế!".
Trước những băn khoăn về hóa đơn tiền điện tăng cao, thâm chí tăng gấp 2 lần so với những tháng trước đó, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) đã đưa ra một số lý giải nguyên nhân:
Theo lộ trình, đến năm 2025, ngành Điện sẽ phải hoàn thành việc chuyển sang ghi chốt chỉ số công tơ thống nhất trên toàn quốc vào ngày cuối tháng. Từ tháng 9/2023 đến nay, các đơn vị điện lực ở nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện lộ trình này. Trên thực tế, vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023 ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và một vài địa bàn khu vực miền Bắc cũng ghi nhận nhiều khách hàng phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.
Với việc ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ, EVN Hà Nội đã thực hiện lắp đặt 100% công tơ điện tử cho hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Thủ đô. Để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng, EVN Hà Nội đã dịch chuyển lịch ghi chỉ số tiêu thụ điện năng từ ngày 29/2/2024. Đây là điều kiện thuận lợi để tổng công ty đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi ghi chỉ số công tơ điện thống nhất về ngày cuối tháng, để hoàn thành vào năm 2024 - sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Chính phủ là 2025.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVN Hà Nội. Bởi đây là việc làm cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu được những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hoá đơn cũng như đảm bảo công bằng cho các khách hàng sử dụng điện (kể cả hộ tiêu thụ sinh hoạt và hộ sản xuất, kinh doanh).
Theo chia sẻ của EVN Hà Nội, trước đây, lịch ghi chỉ số công tơ trên địa bàn Hà Nội diễn ra từ ngày 3 - 20 hàng tháng (tùy địa bàn). Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng thì hóa đơn tiền điện sẽ cao hơn so với bình thường, do số ngày tiêu thụ điện tăng lên.
Trước băn khoăn của người tiêu dùng về lượng điện tiêu thụ trong thời gian tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, EVN Hà Nội cam kết quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.
Để khách hàng có cơ sở tính giá điện của gia đình, EVN Hà Nội đã đưa ra ví dụ về một trường hợp cụ thể một khách hàng thuộc khu vực ghi diện ngày 3 hàng tháng, kể từ tháng 2/2024 chuyển về ghi điện ngày cuối tháng, kỳ hóa đơn sẽ tính toán như sau:
Để giải đáp cho việc tiền điện tăng khi thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, bà Tô Lan Phương - Trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội - cho biết: "Việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng có thể được giải thích như sau: Bình thường, khách hàng sử dụng điện sẽ ghi chỉ số từ ngày mùng 3 và có thể là đến ngày 20. Thay vì việc khách hàng sẽ thanh toán tiền điện cho 30 ngày thì số ngày sử dụng điện thực tế có thể là từ 41 đến 58 ngày. Quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo do căn cứ theo điều chỉnh số lượng ngày sử dụng điện thực tế. EVN Hà Nội sẽ căn cứ trên các Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước và mức sử dụng điện của từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo ngày sử dụng thực tế của kỳ ghi chỉ số hóa đơn đó".
"Khách hàng có thể truy cập đường dẫn: https://evnhanoi.vn/cskh/
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn