Cây gạo khá quen thuộc với những ai được sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Hình ảnh cây gạo thường xuất hiện cùng giếng nước, mái đình làng cổ. Bóng cây gạo cổ thụ um tùm, là nơi nghỉ chân của người qua đường mỗi khi mệt nhọc.
Gốc gạo là nơi ghi dấu những câu chuyện thường nhật làng quê, nơi diễn ra những cuộc chia tay có người đi kẻ ở, nơi mà lũ trẻ con vẫn thường ngồi chơi chuyền, đánh chắt, trò chuyện nhỏ to…
Cứ đến tháng ba là sắc đỏ rực của hoa gạo. Chỉ đợi một trận mưa phùn mùa xuân ấm áp, cây gạo bừng lên những búp, nụ rồi xòe hoa. Hoa gạo to như cái bát, cánh dày đỏ thắm, từng bông hoa cứ đua nhau nở bung lúc lỉu trên cành cao như những chiếc đèn lồng được thiên nhiên khéo léo điểm tô giữa nền trời xanh thẳm.
Quanh năm, cây gạo đứng hiền lành, nhẫn nại giữa gió mưa là thế, bỗng một ngày khiến người ta phải xao xuyến bởi vẻ đẹp rực rỡ lạ thường của nó. Trên những cành cây khẳng khiu, sần sùi cứ lần lượt đậu búp gạo như chụp đèn rồi bung hoa. Vẻ đẹp rực rỡ ấy thu hút sự chú ý của các loài chim.
Nắng lên, chim chóc kéo về cứ gọi nhau lảnh lót, râm ran cả không gian yên ả của làng quê. Cây gạo hiền lành đón nhận những hân hoan của đất trời và lòng người để điểm tô những ngày cuối xuân thêm trọn vẹn.
Khi hoa tàn, cánh hoa rụng xuống đất đỏ sẫm như xác pháo, rồi là thời khắc của những cục bông trắng tinh, mỏng manh lang thang giữa mơn man của gió mùa xuân.
Nhiều năm trôi qua, làng quê có nhiều đổi thay nhưng cây gạo già vẫn hiền lành đứng nơi chốn cũ, điểm tô sắc đỏ rực trời giữa tháng ba. Mùa hoa gạo gợi nhắc những kỷ niệm trong veo đã qua rồi không trở lại. Và sắc đỏ thắm ấy làm đậm sâu thêm nỗi niềm nhớ quê của những người con xa xứ hẹn ngày về.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn