1. Tôi vừa hẹn gặp mẹ của cậu bé bị tai nạn đuối nước. Cô ấy rất kiềm chế trong suốt buổi gặp để không khóc nhưng về nhà thì nhắn tin rằng, đã khóc ngay khi vừa lên xe. Một bi kịch thực sự đau xót. Bà mẹ trẻ ấy đang trải qua cú shock trầm trọng và có lẽ kinh hoàng nhất trong cuộc đời. Có ai ngờ được rằng chỉ sau vài phút để con chơi dưới hồ bơi dành cho trẻ em, mà cuối cùng lại mất con vĩnh viễn. Cậu bé nhìn khôi ngô như vậy, lại có nhiều tài lẻ, chơi được rất nhiều nhạc cụ đến thế, mà sao vắn số. Con ra đi trong sự tức tưởi và để lại nỗi đau thấu trời đất đối với người ở lại.
Trong suốt cuộc gặp, tôi nói với bà mẹ trẻ về việc cố gắng cân bằng cảm xúc. Nếu sự khủng hoảng tinh thần ghê gớm mà có thể thay đổi được mọi việc, thì chẳng ai tiếc gì mà không trải qua. Nhưng thực sự, cuộc đời lại vô cùng khắc nghiệt ở điều đó. Chúng ta không thể làm gì hơn với các diễn tiến trong cuộc sống. Người ta thường tự trách bản thân và ân hận, ước gì khi đó đã không đi lên chuyến xe định mệnh ấy; ước gì sẽ vì công việc đang làm dang dở mà không đi nghỉ mát; ước gì được quay trở lại thời điểm trước khi xảy ra sự cố, để đưa ra quyết định khác hơn…
Nỗi đau luôn là thứ vô hình không nhìn thấy, sờ nắn, nắm bắt được nhưng lại mang tính hủy diệt tinh thần ghê gớm. Nếu "chiều chuộng" nỗi đau bằng cách đồng hành, đồng cảm với nó, thì nó sẽ kéo người đi cùng xuống chiếc hố không đáy. Vì vậy, cần phải học cách chế ngự sự xâm lấn của nỗi đau vào chính cơ thể và tâm hồn của mình. Bà mẹ trẻ kể tôi nghe, sáng đó lần đầu tiên cô đi học yoga. Nhiều người bạn khuyên cô ấy tập yoga để dễ ngủ hơn, không bị sự giày vò, sự mất mát ào tới mỗi đêm. Từ khi cậu con trai bị tai nạn ra đi, không có đêm nào cô có giấc ngủ thẳng giấc. "Nhưng mỗi khi huấn luyện viên cho cả lớp nằm tập thở và đưa tinh thần vào trạng thái thoải mái, thả lỏng nhất, thì em lại khóc. Nước mắt em chảy dài ướt cả thảm tập", cô ấy kể chuyện. Tôi hỏi, trước đây em tập môn thể thao nào, cô trả lời, em tham gia lớp nhảy zumba sôi động. Vậy thì cách tốt nhất là em cứ quay trở lại lớp nhảy zumba, như trước đây, khi nỗi đau và bi kịch chưa xuất hiện. Đó chính là cách tìm được sự cân bằng tinh thần và cảm xúc của bản thân.
2. Gần đây, có vài trường hợp người cha, người mẹ khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, thì không tìm được phương cách giải quyết tích cực. Họ đã buông tay để tự tìm tới cái chết. Điều đáng nói, khi tự tử, mấy bậc phụ huynh này lại đưa theo cả con cái chết cùng. Họ nhân danh tình yêu thương các con, để muốn con cũng không được sống. Thật là những suy nghĩ quái gở, ích kỷ và không xứng đáng làm người lớn.
Tìm tới cái chết là cách giải quyết tiêu cực và hèn nhất của những người thiếu bản lĩnh sống. Cuộc đời không ai có thể nói hay mãi được. Có người bữa nay đang giàu có, bữa mai đã trắng tay, phá sản. Có cặp vợ chồng đang sống hạnh phúc, đột nhiên 1 trong 2 người bị cuốn vào mối quan hệ khác ngoài hôn nhân. Diễn tiến cuộc sống luôn động chứ không phải tĩnh. Có đi có về. Có ra có vào. Có mất mát có hạnh phúc. Có đau khổ có sướng vui. Hiểu được bản chất của cuộc sống như vậy thì nếu có gặp các biến cố ập tới, cũng dần dần hóa giải và cân bằng được sớm.
Tôi có lần ngồi nghe một cậu em kể về việc đang trải qua trạng thái thất tình. Người yêu của cậu ấy có người khác. Cuộc sống chung của 2 người chính thức bước vào giai đoạn cuối. Đang yêu, bị ngắt mất hormone tình yêu, nên cậu ấy không ăn, không ngủ nổi. Tôi động viên, em cứ nên tận hưởng cảm giác thất tình, vì trong cuộc đời không mấy khi được trải nghiệm cảm xúc này. Không ăn vài bữa cũng được, coi như detox giảm cân. Không ngủ vài đêm cũng chưa sao, coi như dành thời gian đọc sách, coi phim. Cảm xúc thất tình hẳn là… thú vị và hay lắm, vì người ta khó mà diễn giải được hết nó bằng ngôn từ. Vậy nên, cứ thất tình đi. Sau khi cơ thể quen dần với việc ngắt hormone tình yêu ấy, sẽ dần quay trở về trạng thái bình thường. Khi đó, trái tim lại có thể rung động với người khác. Mối tình sau có khi mãnh liệt hơn cả mối tình trước. Ai biết trước!
Cân bằng cảm xúc, cần phải học, chứ không tự nhiên có sẵn trong ý thức mỗi người. Và tất nhiên, muôn đời là thế, luôn phải nhờ tới bàn tay xoa dịu của thời gian. Con người ta được tạo hóa ban cho niềm nhớ và nỗi quên. Khi đã có nhớ là sẽ có quên, như một cặp phạm trù không thể tách rời.
Nếu cần, cứ khóc. Khóc cho thoải mái, cho nhẹ lòng, cho cảm xúc không còn phải kiềm nén nữa. Rồi sau đó, ngày mai lại tới. Chúng ta còn có một cuộc đời để tận hưởng ở phía trước. Để lắng nghe các vui buồn mỗi ngày, và quan trọng hơn cả, để còn báo hiếu công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn