Hoa Kỳ: ông Biden sẽ nhậm chức trong buổi lễ phá vỡ mọi quy tắc truyền thống

13:16 | 19/01/2021;
Những thách thức về vấn đề an ninh cũng như dịch bệnh đã khiến Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ chưa từng có tiền lệ, phá vỡ mọi quy tắc truyền thống trong lịch sử nước Mỹ.

Buổi lễ nhậm chức chưa từng có tiền lệ

Sau vụ bạo loạn tại Đồi Capital ngày 6/1, giới chức Mỹ quyết định thắt chặt an ninh trên toàn quốc. Riêng thủ đô Washington phải trải qua một đợt phong tỏa lịch sử, vốn là biện pháp từng được áp dụng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Ngày 18/1, tức là 2 ngày trước khi Lễ tuyên thệ nhậm chức chính thức diễn ra, buổi tổng duyệt lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris đã được tổ chức tại khu vực phía tây Đồi Capitol.

Theo AFP, hiện tại, các cây cầu chính dẫn vào nội thành đã bị phong tỏa. Điện Capitol, Nhà Trắng và các trụ sở của chính phủ đều được tăng cường mức độ an ninh, với sự có mặt của khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia, gấp 2,5 lần những lễ nhậm chức trước.

Hoa Kỳ: ông Biden sẽ nhậm chức trong buổi lễ phá vỡ mọi quy tắc truyền thống - Ảnh 1.

Buổi tổng duyệt lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris được tổ chức tại mặt phía tây Đồi Capitol, thủ đô Washington, hôm 18/1, hai ngày trước khi sự kiện chính thức diễn ra. Ảnh: Reuters

Trong khi lực lượng an ninh được tăng cường thì số lượng khách mời tham gia buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden là thấp kỷ lục: ước tính chỉ khoảng 2.000 người. Con số này là quá khiêm tốn nếu so với số người tham gia trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump năm 2017 (hơn 800.000 người) hay của ông Barack Obama năm 2013 (gần 1,8 triệu người).

Đội chuyên trách của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã kêu gọi người ủng hộ ông Biden nên ở nhà và theo dõi sự kiện qua màn hình TV để tránh những rủi ro về dịch bệnh Covid-19 cũng như vấn đề an ninh. Bà Muriel Bowser, Thị trưởng Washington, cũng đã thẳng thắn khuyên mọi người ở nhà. Airbnb đang hủy tất cả các đặt phòng để ngăn người dân đổ về thủ đô của nước Mỹ.

Trong chương trình ngày 20/1, các vị giám mục sẽ mở đầu buổi lễ bằng lời chúc phúc cho ông Biden. Tiếp đó, ca sĩ Lady Gaga xuất hiện để hát bài quốc ca Hoa Kỳ. Nhà thơ 22 tuổi, Amanda Gorman và ca sĩ Jennifer Lopez cũng sẽ biểu diễn trong buổi lễ. Đến khoảng giữa trưa, Thẩm phán Tòa Tối cao John Roberts sẽ hướng dẫn Tổng thống đắc cử Joe Biden đọc lời tuyên thệ nhậm chức. Phó tổng thống Kamala Harris cũng thực hiện nghi lễ tương tự cùng Thẩm phán Sonia Sotomayor.

Hoa Kỳ: ông Biden sẽ nhậm chức trong buổi lễ phá vỡ mọi quy tắc truyền thống - Ảnh 2.

Đoàn quân nhạc diễu hành qua tòa nhà quốc hội trong buổi tổng duyệt lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris hôm 18/1. Ảnh: Reuters

Thông thường, chuỗi hoạt động ăn mừng Tổng thống nhậm chức sẽ kéo dài 5 ngày với những hoạt động sôi nổi như: lễ diễu hành, các buổi hòa nhạc hay tiệc tùng và có rất đông người tham gia. Tuy nhiên, lần này, các sự kiện đều tổ chức trực tuyến và quy mô cũng bị thu hẹp.

Ngày 19/1, ông Biden và bà Harris sẽ chủ trì một lễ tưởng niệm online để tưởng nhớ 400.000 bệnh nhân tử vong vì nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ. Tối ngày 20/1, họ sẽ cùng tổ chức một sự kiện trực tuyến khác mang tên "Cuộc diễu hành trên khắp nước Mỹ". Thông qua màn ảnh nhỏ, người dân tại 50 tiểu bang, bao gồm các diễn giả, nghệ sĩ, sẽ lần lượt xuất hiện trên sóng truyền hình. Đây là chương trình nhằm tôn vinh những người hùng trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đồng thời thể hiện sự đa dạng, di sản và sức mạnh của toàn nước Mỹ.

Sứ mệnh hàn gắn nước Mỹ của ông Biden

Trong lễ nhậm chức của ông Biden năm nay, các cựu tổng thống Bill Clinton, George Bush và Barack Obama sẽ góp mặt trong khi ông Jimmy Carter, 96 tuổi, không tham dự vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhưng sự vắng mặt đáng tiếc nhất chính là trường hợp của ông Donald Trump, bởi điều này đồng nghĩa với việc buổi lễ sẽ không có phần chào hỏi truyền thống giữa người đứng đầu Nhà Trắng và người sắp kế nhiệm.

Thay vào đó, ông Trump sẽ tổ chức lễ chia tay chức vị tổng thống vào 8 giờ sáng ngày 20/1 tại Căn cứ Không quân Andrews ngay bên ngoài thủ đô Washington, nơi tổng thống mãn nhiệm sẽ lên chiếc Không lực Một bay đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình tại bang Florida.

Hoa Kỳ: ông Biden sẽ nhậm chức trong buổi lễ phá vỡ mọi quy tắc truyền thống - Ảnh 3.

Thủ đô Washington được tăng cường an ninh trước ngày ông Joe Biden nhậm chức. Ảnh: AP

Trong quá khứ, đã từng có 3 tổng thống không tham gia lễ nhậm chức của người kế nhiệm là các ông John Adams (1801), John Quincy Adams (1829), Andrew Johnson (1869). Lịch sử đã từng chỉ ra rằng, Thomas Jefferson, Andrew Jackson, Ulysses S. Grant, những tổng thống bị đối thủ "tẩy chay" không dự lễ nhậm chức, đều tiếp tục điều hành đất nước một cách thuận lợi sau đó, không chỉ trong một mà hai nhiệm kỳ. Nhưng với ông Biden, mọi chuyện sẽ không đơn giản như vậy.

Ông Biden lên nắm quyền trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Khoảng cách giàu nghèo vốn do tác động của toàn cầu hóa, khiến tâm lý bất an và bất mãn thường trực trong xã hội nước Mỹ. Trong thời gian tới, sự đối đầu giữa các nhóm xã hội sẽ còn tăng, khiến bầu không khí chính trị nước Mỹ càng trở nên phức tạp, cục diện này khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Nội bộ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, khiến chuyện tranh giành phe phái nghiêm trọng hơn. Trong thời gian bầu cử, những mâu thuẫn này bị kiềm chế bởi mục tiêu thống thất được đề cao, song sắp tới, mâu thuẫn nội bộ chắc chắn sẽ trở lại.

Hoa Kỳ: ông Biden sẽ nhậm chức trong buổi lễ phá vỡ mọi quy tắc truyền thống - Ảnh 4.

Thách thức đang chờ đón ông Joe Biden trong những ngày sắp tới. Ảnh: AP

Ưu tiên hàng đầu của ông Biden hiện nay là nhanh chóng hoàn tất bộ máy chính quyền, bảo đảm đại diện cho sự đa dạng của xã hội Mỹ, qua đó có thể từng bước hàn gắn vấn đề chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội, xoa dịu những bất đồng phe phái hiện vẫn đang âm ỷ tại Hoa Kỳ.

Ông Biden tuyên bố: "Đã đến lúc gạt bỏ bất đồng, để gặp nhau và lắng nghe nhau. Mọi người dân Hoa Kỳ, bất kể màu da và giới tính cần gạt sang bên định kiến về "bang đỏ, bang xanh", để đoàn kết, cùng nhau xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn". Phát biểu thì dễ, thực hiện mới khó, liệu sứ mạnh "hàn gắn nước Mỹ" có khả thi với vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ? Thời gian sẽ trả lời!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn