Họa lớn từ giấc ngủ

16:04 | 14/08/2015;
Trong hơn 1 năm trở lại đây, mỗi khi chìm vào giấc ngủ, chị Nguyễn Thị Bích Hường (40 tuổi, ngụ tại quận 9, TPHCM) lại xuất hiện tình trạng tim đập nhanh, huyết áp tăng cao khiến chị thường thức giấc giữa đêm và có cảm giác như kiệt sức.


Rối loạn giấc ngủ khiến nhiều người kiệt sức


Là nhân viên tổ chức sự kiện của một công ty truyền thông lớn tại quận 2, chị Hường quen và kết hôn với anh Hữu Thuận (quê Quảng Ngãi), làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Cuộc sống của vợ chồng chị khá tâm đầu ý hợp nhưng kể từ khi chị sinh con trai thứ 2, cơ địa của chị bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi, đặc biệt là chứng ngủ ngáy khiến chồng chị cảm thấy khó chịu, còn chị thì mất đi sự tự tin vốn có trong đời sống vợ chồng. Chị Hường kể: “Ban đầu ông xã nói, tôi không tin, cho tới khi ổng lấy điện thoại ghi âm lại, hôm sau cho mình nghe, tôi ngạc nhiên lắm. Ông xã thì thỉnh thoảng lấy lý do vợ ngáy to nên qua phòng ngủ với con, tình cảm vợ chồng cũng ít nhiều “nguội lạnh”.

Cũng theo chị Hường, do công việc của hai vợ chồng đều chịu áp lực cao nên việc đảm bảo giấc ngủ đủ là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, từ ngày chị mang tật ngủ ngáy thì cả công việc lẫn quan hệ vợ chồng đều thay đổi theo chiều hướng xấu đi. “Cơn ngáy của tôi không như người bình thường, những âm thanh phát ra từ mũi, cổ họng rất… khủng khiếp. Ông xã lại bị chứng khó ngủ, tiếng ngáy của vợ khiến ổng mệt mỏi ra mặt, chất lượng cuộc sống đi xuống rõ rệt. Từ đó, công việc cũng bị ảnh hưởng do tâm lý “có vấn đề”. Nhiều khi nằm một mình trong đêm, tôi cảm thấy vô vọng”, chị Hường bộc bạch.

Không chỉ dừng lại ở đó, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, ngoài chứng ngáy, chị Hường cảm thấy cơ thể rất mệt mỏi, thường bị nhức đầu buổi sáng, đau cơ, rối loạn kinh nguyệt… Nguy hiểm hơn, chị còn phát hiện khi ngủ thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng tim đập nhanh, huyết áp tăng cao. Những lúc như vậy, chị Hường thường ngồi bật dậy, đầu óc tuy tỉnh táo nhưng cơ thể như suy kiệt. Chị kể: “Nuôi con nhỏ, công việc nhiều, vợ chồng thường xuyên cáu gắt, “cơm không lành, canh không ngọt”… đã làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của mình”.

 

Tìm lại giấc ngủ êm đềm

Hiện tượng “rối loạn giấc ngủ” kéo dài khiến chị Hường bị rơi vào tình trạng ban ngày thì mất tập trung, mệt mỏi, thèm ngủ còn ban đêm thì ngủ không sâu giấc, kèm theo cảm giác tim bị nghẹt lại, khó thở càng làm cho chị hoang mang.

Để tìm ra bệnh, chị Hường đến phòng khám chuyên khoa tim mạch tại các bệnh viện lớn làm các siêu âm và xét nghiệm, nhưng kết quả không có bệnh gì liên quan đến tim càng khiến chị rơi vào tình trạng chán nản. Theo sự chỉ dẫn của người quen, chị Hường “vái tứ phương” để hy vọng bệnh tình thuyên giảm. Khi thì thuốc Tây, lúc thuốc Nam, có khi lại sử dụng cả những lá cây để uống… nhưng tình trạng bệnh vẫn không bớt. Chị Hường nhớ lại: “Ai mách thuốc gì hay, tôi cũng theo, thuốc Tây, thuốc ta, lá rừng, một số loại củ trên núi… tôi đều thử qua nhưng không có tác dụng. Hơn 1 năm trôi qua, đối với tôi, đó là những ngày tháng dài lê thê, cảm giác chán công việc, mệt mỏi, không muốn ăn uống, không muốn chăm sóc gia đình… cứ đeo bám”.

Kiên trì thử nhiều phương pháp điều trị nhưng không hiệu quả, chị Hường quyết định tìm đến chuyên khoa tâm thần tại một bệnh viện ở TPHCM để được tư vấn về rối loạn giấc ngủ, nhưng không ngờ, đây lại là nơi giúp chị tìm ra căn bệnh của mình. Sau khi kể về những triệu chứng thường gặp và làm một số xét nghiệm, chị Hường thở phào nhẹ nhõm khi nghe bác sĩ kết luận chị bị mắc bệnh ngáy và ngưng thở do tắc nghẽn, nguyên nhân là vì sự tắc nghẽn đường hô hấp trên khi ngủ.

Được bác sĩ tư vấn về phương pháp điều trị, chị Hường  mừng như “trúng số”, bởi “đây là cơ hội để mình tìm lại giấc ngủ êm đềm của ngày nào”. Chị quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật vách ngăn mũi, cắt amidan và chỉnh hình màn hầu.

Gần 3 tháng sau ngày phẫu thuật, chị Hường vẫn đến bệnh viện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ nhưng khi kể về tình trạng sức khỏe hiện tại, chị vui vẻ: “Trước đây, khi ngủ, mình có cảm giác tim bị nghẹt lại, không hoạt động, phải lấy tay đập đập vô ngực thì nó mới trở lại bình thường. Cũng không dám đi ngủ trước vì sợ ngáy lớn, chồng không ngủ được. Từ lúc phẫu thuật xong, nghe ông xã nói mình ngủ không còn ngáy nữa, cũng không còn xuất hiện tình trạng “mệt tim” trong lúc ngủ. Giấc ngủ ngon vào ban đêm giúp mình không còn mệt mỏi và nhức đầu khi đi làm, công việc thuận lợi hơn và điều đặc biệt nhất là gia đình lại vui vẻ như ngày nào. Cảm giác bây giờ giống như người sắp chết đuối bỗng vớ được phao cứu sinh vậy!”.

 


Thạc sĩ, bác sĩ Hồng Đình Hữu Hạnh (Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Ngáy và ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn là tình trạng tạm ngưng hô hấp lặp đi lặp lại nhiều lần khi ngủ, luồng khí bị gián đoạn từng lúc do tắc nghẽn đường thở hay xẹp đường hô hấp trên. Những đợt ngưng thở kéo dài hơn 10 giây dẫn đến làm giảm oxy trong máu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ngáy và ngưng thở lúc ngủ: Béo phì, bất thường của xương hàm, uống rượu, tiền căn gia đình (di truyền), lưỡi lớn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, phì đại amidan (nhất là ở trẻ em)… Tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn nữ và thường là ở độ tuổi trên 40.

Triệu chứng thường thấy là tình trạng ngáy, đây là triệu chứng chính khuyến cáo bệnh nhân nên đi khám bệnh, song chưa đủ để chẩn đoán mà phải kèm với ngưng thở, tiếng khịt mũi, thở gấp, nghẹt thở; thở hổn hển khi ngủ: Bệnh nhân thường trằn trọc, đẫm mồ hôi, xoay nhiều tư thế khi ngủ; buồn ngủ nhiều vào ban ngày. Ngoài ra, một số triệu chứng khác như: Tiểu đêm, đái dầm; giảm khả năng tập trung, nhận thức kém; thay đổi tính tình, cáu gắt; giảm trí nhớ; nhức đầu, khô, rát cổ buổi sáng; có vấn đề về thị lực.

Đối với bệnh nhân ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các phương pháp điều trị bao gồm giảm cân, thở máy áp lực dương và phẫu thuật. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân để có phương pháp điều trị mang lại hiệu quả. Chi phí điều trị từ 10 đến 30 triệu đồng.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn