Hòa Minzy từng có khoảng thời gian khủng hoảng khá dài vì mụn dậy thì. Cô nàng cũng lận đận ngược xuôi để trị mụn nội tiết và rồi đến bắn tia laser để trị mụn thịt. Sau 7749 lần điều trị cho da thì giọng ca Không Thể Cùng Nhau Đến Suốt Kiếp đã thực sự trở thành chuyên da chăm sóc da.
Ai rồi cũng có thời gian bị mụn dậy thì và chuyện đó cũng không chừa người nổi tiếng. Hòa Minzy từng bị mụn nội tiết viêm sưng đỏ chi chít ở 2 bên má.
Cô cũng kinh qua rất nhiều lần điều trị mụn với nhiều phương pháp khác nhau. Dù gương mặt lấm lem miếng dán mụn nhưng nữ ca sĩ vẫn dí dỏm chụp ảnh selfie và báo cáo tiến trình trị mụn của mình cho người hâm mộ theo dõi thường xuyên.
Biện pháp mạnh nhất bà mẹ 1 con từng kinh qua đó chính là tác động nhiệt từ laser để đốt những đốm mụn thịt cứng đầu ẩn sâu bên dưới tầng biểu bì da.
Cô nàng đã từng rất tự tin mà chụp camera thường để khoe cận làn da mịn màng, không tì vết của mình. Thậm chí zoom thoải mái cũng đừng hòng bóc được chút nào dấu vết của khuyết điểm.
Thế nhưng, mới đây, người hâm mộ được phen "hú vía" khi theo dõi loạt ảnh đăng tải trên story của Hòa Minzy khi thấy cô mặt mếu máo với làn da nhăn nheo, bong tróc không thể tin được.
Cô nàng cho rằng chẳng có cái dại nào bằng cái dại nào khi mặt bong tróc chi chít mà lịch diễn lại dày đặc. Đến chính chủ còn khóc ròng, mếu máo vì bỗng chốc hóa "bà già nhăn nheo".
Không chỉ vùng má, bầu mắt mà những vùng da quanh miệng cũng xuất hiện những mảng da tróc như da rắn. Cô nàng thực sự đứng ngồi không yên.
Tuy nhiên, ở story sau, nữ ca sĩ đã kịp trấn an người hâm mộ rằng cô đang đi làm liệu trình chăm sóc da, da không sao hết. Chỉ là cô nàng chọn sai thời điểm để chăm sóc da mà thôi.
Dù không hé lộ chi tiết liệu trình mình chăm sóc da là gì nhưng thông qua những hiện tượng bong tróc đó, có thể đoán Hòa Minzy đã thực hiện peel da.
Mỗi ngày, da của chúng ta phải tiếp xúc với môi trường đầy ánh sáng mặt trời, khói bụi, vi khuẩn... Bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố nội sinh cũng như thói quen sinh hoạt khiến cho da mặt sẽ nhanh chóng xuất hiện các dấu hiệu của lão hóa như nếp nhăn, sự chảy xệ của da, các đám sắc tố, các thương tổn u lành tính và ác tính, dày sừng... nếu không được chăm sóc cẩn thận.
Để ngăn ngừa tình trạng lão hóa da, chị em phụ nữ thường áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc, trong đó, peel da là một phương pháp mới hiện đang cho thấy rất nhiều hiệu quả tích cực và đã được khá nhiều người áp dụng.
Peel da hay còn gọi là lột da hóa học, là phương pháp làm đẹp sử dụng các hợp chất tự nhiên tác động mạnh lên bề mặt da, giúp loại bỏ tế bào da chết và vi khuẩn, bụi bẩn nằm sâu dưới lỗ chân lông. Peel da có tác dụng kích thích tế bào da bong tróc, tái tạo làn da mới sáng hơn và giảm bớt nếp nhăn.
Biện pháp làm đẹp này có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với chị em. Hiện nay, peel da có thể thực hiện tại các spa hoặc tự làm tại nhà với các loại mỹ phẩm chuyên dụng.
Trong quá trình peel da, người ta thường sử dụng các dung dịch axit khác nhau trên da để tẩy da chết, làm sạch và tái tạo da thông qua việc thúc đẩy glucosaminoglicans, các nguyên bào sợi và tái tạo chất elastin và collagen. Lột da hóa học có thể sử dụng đơn chất hoặc đa chất để làm tăng tác dụng với một số bệnh cảnh da khác nhau.
- Alpha Hydroxy Acid (AHA): Là một trong nhóm các axit gốc nước tự nhiên, được chiết xuất từ thực phẩm và thường xuyên có mặt trong các loại mỹ phẩm chăm sóc da. AHA có nhiều công dụng như tẩy tế bào chết, hỗ trợ trị nám và làm sáng da, trị mụn, sẹo mụn.
- Salicylic Acid (BHA): SA hay còn được gọi là BHA - Beta Hydroxyl Acid là một dạng axit gốc dầu. Đặc tính gốc dầu giúp BHA dễ dàng xuyên qua các lỗ chân lông, phá vỡ tế bào chết bị dính vào nhau và loại bỏ bã nhờn tắc nghẽn đồng thời kiểm soát lượng dầu dư thừa.
- Tricloacetic Acid (TCA): Là một dạng axit hữu cơ có công dụng giúp tái tạo cấu trúc da mới nên nó đặc biệt hiệu quả trong việc trẻ hóa da, cải thiện nếp nhăn và sắc tố da.
- Retinol: Là dẫn xuất Vitamin A, giúp điều trị mụn, giảm nhờn, se khít lỗ chân lông, trẻ hóa da.
- Jessner: Là sự kết hợp giữa Alpha, Beta Hydroxies và Resorcinol, đạt hiệu quả cao trong điều trị mụn.
Với thành phần nhiều axit như vậy nên peel da đem đến một cảm giác không mấy dễ chịu. Tùy thuộc vào tình trạng da mà có 3 cấp độ peel khác nhau: nông, trung, sâu.
Peel da bị đỏ, rát và sưng
Sau khi dùng axit hóa học tác động lên da, lớp da chết sẽ bị loại bỏ nên gây tình trạng da bị ửng đỏ. Đây là tác dụng phụ rất bình thường khi Peel da và sẽ biến mất sau tầm 1 tiếng. Trong nhiều trường hợp, da bị xuất hiện những nốt đỏ nhưng sẽ biến mất sau 1 đến 2 ngày.
Da nổi nhiều mụn hơn
Trong quá trình điều trị mụn bằng phương pháp Peel da, theo cơ chế, các cồi mụn sẽ bị gom lại và sau đó được đẩy lên trên, đây là nguyên nhân tại sao da nổi nhiều mụn hơn, tình trạng này sẽ kết thúc sau những liệu trình điều trị ban đầu và mụn sẽ không bao giờ tái phát nếu da được chăm sóc đúng cách.
Da bị nám, sạm đen và bong tróc
Đây là tình trạng cho biết sắp kết thúc lộ trình Peel da, lớp da sạm và đóng vảy trên da chính là lớp sừng tích tụ trên bề mặt, sau một thời gian sẽ bong tróc thay thế bởi làn da mới sáng mịn hoàn toàn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn