Từ bỏ vị trí đáng mơ ước tại một ngân hàng, năm 2018, chị Lê Vũ Diễm Hằng (Lê Hằng) quyết định thành lập GymHaus, một hệ thống phòng tập tại Hà Nội. Từ mô hình Boutique Fitness, một phòng tập quy mô nhỏ, GymHaus mang tới sự kết nối, hiệu quả luyện tập cao hơn và chuyên sâu hơn.
Theo người sáng lập GymHaus, tập luyện thể dục thể thao không phải điều dễ dàng với nhiều người, tâm lý sợ thể dục, lười tập luyện, không thoải mái ở những phòng tập lớn là điều dễ thấy.
Nhưng khi chính mình rơi vào tình trạng thừa cân, sức khỏe sụt giảm, Lê Hằng nhận ra luyện tập thể dục thể thao có vai trò quan trọng như nào. Và đi tập là phải vui, có vậy mới đạt được hiệu quả cao, mang lại giá trị cho sức khỏe chứ không chỉ đơn thuần là để giảm cân. Đây là giá trị cốt lõi chị muốn truyền tải tới cộng đồng trong việc rèn luyện sức khoẻ.
Theo đuổi giá trị đó suốt những năm qua, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành GymHaus đang cùng với chuyên gia tâm lý xây dựng chương trình bài tập chuyên sâu kết hợp giữa tập luyện và tinh thần. Ngoài ra, để củng cố tinh thần tập luyện cho hội viên, chị thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: chạy bộ, leo núi...
"Cung cấp được thứ người ta cần chưa chắc họ đã là khách hàng của bạn. Muốn họ trở thành khách hàng của bạn rồi gắn bó, bạn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, mang đến hiệu quả và cảm xúc trải nghiệm", chị Lê Hằng cho biết.
"Không ngừng biến hóa" có lẽ là cụm từ thích hợp để nói về phong cách kinh doanh của chị Lã Linh Giang. Với vốn kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực quản lý nhà hàng, khách sạn, Linh Giang quyết định khởi nghiệp khi mới 25 tuổi.
Điều đặc biệt trong các thương hiệu F&B (Food and Beverage, loại hình dịch vụ ẩm thực trong nhà hàng, khách sạn) trên địa bàn Hà Nội của chị chính là không có điều tương đồng nào cả. 5 thương hiệu là 5 phong cách hoàn toàn khác nhau: Beeznees, Beatro, 11 Cocktail Universe, Pavone Pastry, Hà Thành Mansion.
Linh Giang chia sẻ: "Tôi luôn muốn biến hóa, sáng tạo và xây dựng dấu ấn riêng cho mỗi dự án. Song, điều này cũng vô tình tạo ra khó khăn trong việc xây dựng, định hình phong cách, đối tượng khách hàng. 5 lần thực hiện dự án như 5 lần khởi nghiệp vậy".
Nhưng khó khăn chính là cơ hội để Linh Giang rèn luyện, giúp chị học được nhiều bài học mới, có lúc là cách quản lý nhân sự, có lần là cách đón nhận sự hỗ trợ... Đặc biệt là bài học "nhìn thấy cơ hội trong khó khăn" của năm 2023.
Đi ngược với số đông, trong lúc nhiều người chỉ thấy rủi ro, khó khăn thời hậu Covid-19 thì chị Linh Giang vẫn thực hiện 2 dự án mới. Chị lạc quan cho rằng, trong khó khăn luôn có cơ hội, quan trọng là bản thân có nhận ra và nắm lấy được hay không.
"Tôi nhìn nhận ngành du lịch sẽ hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới. Do vậy, tôi quyết tâm mở nhà hàng trong năm 2023 để có thể đón đầu lượng khách du lịch trở lại".
Không ngại khó khăn, luôn tìm kiếm cơ hội cho mình, nhìn lại 5 năm qua, niềm tự hào đối với chị chính là chuỗi kinh doanh F&B của chị vẫn hoạt động tốt, trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.
Với chị Linh Giang, bí quyết để vượt qua "sóng gió" là tập trung vào mục tiêu kinh doanh của mình, tạo ra những sản phẩm – dịch vụ chất lượng, đem đến giá trị cốt lõi. "Bản thân kinh doanh, cung cấp dịch vụ, sản phẩm gì thì tôi mong muốn chính người thân của mình cũng có thể sử dụng được", chị Linh Giang cho biết.
3 lần khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giáo dục Atlantic, đã trải qua biết bao khó khăn để đưa "con thuyền" phát triển vững mạnh như hôm nay.
Khởi nghiệp với 1.500 USD vay từ anh trai của mình vào năm 2003, Ngọc Lan nhanh chóng phải đối mặt với khó khăn sau 2 năm khởi nghiệp, khi khâu quản lý và tư duy tài chính chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng không có tiền để trả lương cho nhân viên.
Nhiều nhân viên muốn nghỉ việc nhưng khi nhìn thấy chị vẫn ngày đêm làm việc, động viên mọi người, họ như được tiếp thêm năng lượng, lựa chọn đồng hành cùng chị tiến lên phía trước.
Nhưng đó chưa phải là giai đoạn khó khăn nhất với người lèo lái "con thuyền Atlantic". Năm 2021, đại dịch COVID-19 ập đến, Ngọc Lan đã phải bán rất nhiều tài sản của mình để duy trì hoạt động công ty. Nhưng điều đặc biệt là dù bị giảm đến 50% lương, đội ngũ nhân sự của Atlantic vẫn lựa chọn ở lại.
Hơn nữa, đây còn là thời điểm mà "Fsel - English Center in Your Pocket" ra đời, một sản phẩm công nghệ đưa tiếng Anh đến với mọi miền toàn quốc của Atlantic. "Lần khởi nghiệp đó nếu không có những cộng sự bản lĩnh, quyết không bỏ cuộc trước muôn vàn khó khăn thì tôi đã không thể có được niềm hứng khởi để xây dựng một ứng dụng công nghệ như Fsel", chị Ngọc Lan nhấn mạnh.
Có được đội ngũ nhân sự đoàn kết, chất lượng là điều mơ ước của mọi nhà lãnh đạo. Để đạt được điều này, bản thân Ngọc Lan đã phải đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm. Trước hết là phải truyền cảm hứng, tạo ra những giá trị sống, giá trị làm việc phù hợp với khát khao cống hiến của họ, từ đó các nhân sự mới có niềm tin vào người lãnh đạo và giá trị của "con thuyền" mà họ đang đi. T
hứ hai, người lãnh đạo cần biết đặt nhân viên vào đúng vị trí để họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình; luôn thực hiện đúng lời hứa và rèn luyện thói quen biết nhận lỗi. Một điều quan trọng nữa là dành niềm tin tuyệt đối cho các cộng sự, bởi sự đối đãi chân thành của người lãnh đạo trong mọi hoàn cảnh đều trở thành động lực cho mọi nhân viên.
"Khi không ở vai sếp, tôi coi mọi nhân viên Atlantic là người nhà. Tết đến cũng là dịp chúng tôi tới thăm gia đình nhau, tặng nhau những món đồ do tự tay mình làm", chị Ngọc Lan chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn