Với giới văn nghệ sĩ Sài Gòn, Đỗ Hương dễ thương một cách không chịu nổi. Chị thường mời bạn bè tới nhà, có bao nhiêu thứ có thể chiêu đãi được bạn, có bao nhiêu thứ để khiến bạn vui, thì Hương đều phục vụ một cách tận tụy và không hề suy tính. Với người mộ điệu, chỉ cần thưởng thức các bức tranh của nữ họa sĩ này hoặc bức hình mà chị ngẫu hứng chụp trên đường, đều xuýt xoa trước sự tài hoa mà ông Trời đã ban tặng cho chị.
Tôi nói: “Chị cho em chạm vào chị, thì em mới viết được”. Và tôi quơ tay xoa nhẹ vào vai của nữ họa sĩ. Đỗ Hương cười, tôi cảm giác như mình bị nhòe đi - toàn bộ các giác quan - chỉ thấy hơi thở của nhân vật là hiện hữu. Bởi các câu chuyện xoay quanh Đỗ Hương rất nhiều, và chuyện nào cũng có thể kể thành một bài báo. Nhưng phải được “chạm” vào Hương theo cách đồng điệu nhất, mới thấy được chân dung của chị - người phụ nữ cống hiến và tận hưởng cuộc sống từng giây từng phút. Không màng đến bất cứ điều gì!
Đỗ Hương tự nhận không phải là người làm nghệ thuật được đào tạo một cách bài bản. Chị là con út trong một gia đình có nếp đối xử với nhau theo cách riêng: Mọi người thường đưa ra thông điệp với nhau bằng hình vẽ. Ví như bố chị muốn nhắn các con đi nấu cơm, ông vẽ lên bảng hình thù bếp lửa và nồi cơm. Hoàn toàn không có lời nói nào kèm theo.
Ở lứa tuổi thiếu nữ, Đỗ Hương được tiếp nhận thêm nhiều sắc màu của cuộc sống. Chị từ giã Hà Nội để đi xuất khẩu lao động tại Đông Âu. Nhưng Đỗ Hương không chỉ đơn giản vậy. Tại Tiệp Khắc, các bức hình sáng tạo và kiểu cách tiếp cận với truyền thông của chị khiến cho các bạn báo chí nước ngoài phải nghiêng mình kính nể. Hình như với Đỗ Hương, điều duy nhất chị thường làm, chính là khả năng khiến người khác phải ngạc nhiên.
Thế rồi Đỗ Hương vào Sài Gòn, vẽ tranh và làm tất cả những điều mà chị cảm thấy yêu thích, với cách của người thuần nghệ thuật và hơn hết, của người phụ nữ độc thân. Tranh của Hương được phụ nữ thích mua, bởi lẽ “tôi luôn đi vào sự lam lũ và phận đàn bà”. Hương khoe vừa có cô bạn từ Mỹ về đặt mua 5 bức tranh để tặng. Cô ấy xin quyền được chọn tranh! Cách chị kể cứ lưng tưng, không rõ là đồng ý hay phản đối. Chỉ biết là khoe đã!
Nếu ai đó nói việc biết kiếm tiền đã khó, việc biết xài tiền còn khó hơn, thì đúng là áp dụng vào trong trường hợp của Đỗ Hương không sai một li. Cách đây vài ba năm, qua Facebook, Đỗ Hương quen một cô gái. Cô ấy nói vì việc cá nhân gì đó rất éo le mà đang bị nợ ngân hàng 150 triệu đồng, nhờ nữ họa sĩ giúp đỡ. Hương nghe xong, thương quá, đồng ý cái rụp mang căn nhà của mình ra thế chấp. Nhưng cũng chẳng cứu được bạn, mà nhà vẫn bị ngân hàng xiết nợ. “Người ta cũng không có ý gì lừa đảo mình đâu, tại vì việc nó như vậy!”, Đỗ Hương kể. Và chị phải đi thuê nhà. Ban đầu thuê chung, nhưng cũng lại loằng ngoằng các việc giúp đỡ như thế. Cuối cùng thì chị quyết định ở riêng.
Căn nhà nhỏ tại quận Phú Nhuận, TPHCM, được Đỗ Hương trang hoàng theo cách của mình, tạo thành một nơi “art” nhất trong số tất cả các căn nhà mà người đi thuê mang tâm lý đi vào đó ở. Hương vẽ tranh, “đổ” màu vào áo, vào khăn. Lụi hụi nấu ăn lúc nửa đêm và khi đã ở lứa tuổi chẳng phải bé bỏng gì nữa, mà các chị gái ở Hà Nội vẫn thường phải gọi điện để chăm sóc và… gửi tiền nuôi! Còn những đồng tiền do chính nữ họa sĩ kiếm được, thì lại để dành đi cứu giúp những người khác, và luôn luôn bảo vệ những người không trả lại tiền cho mình bao giờ!
Đỗ Hương bảo, chị không cần quá sự dư thừa vật chất, nhưng nếu không có miến gà ngon để ăn thì thà nhịn chứ không bao giờ ăn mì gói. Và nếu đói quá thì chị sẽ kiếm bột để làm sợi mì theo cách riêng của mình. Kiểu như vậy, tất nhiên.
Thế nên không lạ gì khi nửa đêm mở mạng xã hội, thấy Đỗ Hương vẫn post hình đang ngặt nghẽo với màu, với dọn dẹp, với thú đam mê nấu đồ ăn ngon. Người đàn bà sống một mình mà chẳng thấy cô đơn. Thế giới sắc màu và bao nhiêu sự tinh tế đẹp tuyệt trong đời sống này, đã khiến Hương mải mê vui vẻ.
Khi chúng tôi hẹn nhau ở quán cà phê ven đường, Đỗ Hương nói, quá lâu rồi không nhìn thấy nắng buổi chiều. Hóa ra một niềm vui giản dị thế mà lâu nay bỏ quên, chẳng tận hưởng. Hương bảo với tôi: “Chị vẽ tranh vào khăn nhé”. Còn tôi hứa sẽ mở web bán các sản phẩm này. Vì Đỗ Hương, vì sự thấu hiểu. Nghệ thuật cũng cần phải cho ăn, cho uống. Như ly cà phê cappuccino đẹp đẽ hình trái tim mà chúng tôi vừa kêu, muốn có phong cách thì cần thêm kem thiệt là chất lượng. Nắng tàn, nữ họa sĩ lên chiếc xe đạp điện rất “style”, phóng vèo trên đường. Chị nói, đêm nay lại về đổ màu ra áo!
Căn nhà nhỏ tại quận Phú Nhuận, TPHCM, được Đỗ Hương trang hoàng theo cách của mình, tạo thành một nơi “art” nhất trong số tất cả các căn nhà mà người đi thuê mang tâm lý đi vào đó ở. Hương vẽ tranh, “đổ” màu vào áo, vào khăn. Lụi hụi nấu ăn lúc nửa đêm và khi đã ở lứa tuổi chẳng phải bé bỏng gì nữa… |