Sáng 8/8/2024, tại hội trường NXB Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội), họa sĩ Lê Thiết Cương đã chính thức giới thiệu với độc giả cuốn sách Nhà & Người. Sách tập hợp gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn hai chục năm qua, khoảng từ 2000-2023 cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất.
Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, họa sĩ Lê Thiết Cương muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà.
Một phần nữa là chuyện đất, những vùng đất mà họa sĩ Lê Thiết Cương đã đi qua và Hà Nội nơi sinh ra ông, một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng… Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương (giữa) trò chuyện trong buổi ra mắt sách vào sáng 8/8 tại Hà Nội
Họa sĩ Lê Thiết Cương viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, còn lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chả là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản.
Tại sao đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về nhà tức là về quê, làng Chùa của anh, chỉ quê mới là nhà, nhà - quê? Tại sao nhạc sĩ Phú Quang lại lạc nghiệp mới an cư? Tại sao nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà của đạo diễn Đào Trọng Khánh là nhà "thích khách"? Tại sao nhà của thi sĩ Thụy Kha có gì đặc biệt mà vừa bần cư trung thị vừa "sơn lâm" nhưng vẫn quá đông tao nhân mặc khách ra vào, tá túc năm này qua năm khác? Tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp? Tại sao Hải Phòng đất dữ ăn to nói lớn nhưng luôn nồng nàn "đói bạn"?... Những câu hỏi đó sẽ được họa sĩ Lê Thiết Cương lý giải theo cách của mình trong cuốn sách Nhà & Người.
Nhà & Người là tác phẩm đầu tiên trọng bộ sách 3 cuốn của họa sĩ Lê Thiết Cương, sẽ lần lượt ra mắt trong thời gian tới. Tiếp theo sẽ là cuốn Trò chuyện với hội họa và Trong hạt thóc có hạt gạo (tập hợp những bài viết về văn hóa Việt).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn