Họa sĩ Lê Thúy trở thành nàng Bạch Tuyết ở “Tầng ba”

20:41 | 10/06/2017;
Lê Thúy là gương mặt nữ duy nhất trong số 8 họa sĩ được giới thiệu ở cuốn sách “Tầng ba” và có tác phẩm trưng bày tại Đông A Gallery.
3.jpg
Cuốn sách "Tầng ba" giới thiệu 8 nghệ sĩ trẻ đương đại 

Tầng ba là cuốn sách vừa được NXB Văn học ấn hành, giới thiệu 8 nghệ sĩ trẻ đương đại: Nguyễn Văn Hè, Đỗ Hiệp, Lương Đức Hùng, Lã Huy, Tạ Huy Long, Lê Thúy, Phạm Tuấn Tú, Bùi Tiến Tuấn. Họ được coi là “tầng ba”, thế hệ kế tiếp xuất sắc của các bậc tiền nhân ở “tầng một” (những người đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, 2 bộ tứ huyền thoại “Trí, Vân, Lân, Cẩn” và “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”…) và “tầng hai” (lớp họa sĩ thành danh từ những năm 1990 như Thành Cương, Lê Thiết Cương, nhóm Gang of Five…).

Tất cả 8 nghệ sĩ góp mặt ởTầng ba đều có phong cách, trường phái và sự thể hiện rất khác nhau. Đó là những khắc khoải về quá khứ trong tranh Nguyễn Văn Hè, cuộc giằng xé nội tâm trong hình khối của Lương Đức Hùng, phút chiêm nghiệm lạ thường từ nét vẽ Lã Huy, sự mỏng manh day dứt của Lê Thúy, cái siêu linh tách rời thế tục nơi Phạm Tuấn Tú, cuộc ngược dòng huyền thoại qua họa phẩm Tạ Huy Long, những mâu thuẫn ánh lên gam màu gây ấn tượng mạnh trong tranh Đỗ Hiệp và những rung cảm tinh tế được khắc họa bởi bàn tay Bùi Tiến Tuấn.

1.jpg
 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam (ngoài cùng bên phải) cùng các họa sĩ trẻ có tác phẩm trưng bày tại Đông A Gallery

Đặc biệt, 33 tác phẩm được giới thiệu trong cuốn sách Tầng 3 cũng được trưng bày, giới thiệu tại Đông A Gallery từ ngày 9/6/2017 nhân dịp khai trương phòng tranh thuộc nhà sách Cá Chép này (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Tại đây, chân dung mỗi nghệ sĩ đều được dựng lên đầy đủ cùng với các tác phẩm tiêu biểu, mà nhìn vào đó, người xem có thể nhận ra ngay chất riêng của những người tạo ra nó.

5.jpg
 Các bạn trẻ đọc cuốn "Tầng ba" tại Đông A Gallery

Gương mặt được chú ý hơn cả trong các họa sĩ có mặt trong cuốn sách cũng như triển lãm có lẽ là họa sĩ Lê Thúy. Không chỉ vì cô là gương mặt nữ duy nhất trong số 8 tác giả và được ví như thể nàng Bạch Tuyết lọt vào thế giới của 7 chú lùn, mà bởi sự độc đáo riêng biệt trong tranh của cô.

le-thuy.jpg
 Họa sĩ Lê Thúy

Lê Thúy sinh năm 1988 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2013, nhưng con đường nghệ thuật của cô bắt đầu từ trước đó khá sớm. Năm 2010, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô đã bắt đầu tham gia nhóm nghệ sĩ lưu động, dịch chuyển để tìm kiếm cảm thức trong không gian cho các sáng tác của mình. Cô chọn chất liệu rất phương Đông – lụa – để thể hiện những cảm thức ấy.

Lê Thúy chia sẻ: “Tôi sử dụng lụa vì lụa là một chất liệu truyền thống đặc trưng của phương Đông. Lụa mềm mại và mang lại cho ta cảm giác huyền bí, chính vì thế tôi đã sử dụng lụa để thêu dệt nên những câu chuyện của riêng mình”.

ngay-cua-tuong-lai.jpg
 Tác phẩm "Ngày của tương lai" của Lê Thúy

Giới thiệu về Lê Thúy, cuốn sách Tầng ba viết: “Là một phụ nữ trẻ, nhưng Lê Thúy mang nhiều trăn trở và day dứt đối với cuộc sống. Các sáng tác của cô đều mang sự ám ảnh về không gian vì đối với cô chính là sự tác động qua lại giữa không gian và con người khiến cô nhận ra được những giá trị thực của cuộc sống. Cô biểu hiện những rung cảm tinh tế đó bằng lụa… Không rực rỡ mạnh mẽ như sơn dầu, lụa êm ả, nhẹ nhàng nhưng mang lại một sự huyền bí đến ảm ảnh, điều đó chính là điểm tương đồng giữa chất liệu và nội dung trong các tác phẩm của Lê Thúy”.

Cũng trong ấn phẩm được chăm chút rất kỹ lưỡng, tinh tế về cả nội dung lẫn hình thức này, Lê Thúy được nhận xét: “Thay vì bị sự êm đềm nhiều lúc đến nhạt nhòa của lụa ngăn bước, Lê Thúy đã tạo dựng một sự kết hợp hài hòa để tận dụng sự huyền bí nhuần nhị của truyền thống truyền tải những cảm xúc đương đại. Nhờ có kỹ thuật tốt, nội lực và tư duy sáng tạo dồi dào, biết cách làm mới mình, phá vỡ sự hạn hẹp về mặt đề tài của dòng tranh lụa truyền thống nói chung và của bản thân người nghệ sĩ nói riêng, Lê Thúy đã tạo nên một giai điệu tươi trẻ mới cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn