Họa sĩ U90 cùng tranh Hàng Trống "kể chuyện"

13:32 | 31/03/2024;
Những tác phẩm tranh truyện Hàng Trống gần như “xếp kho” hơn 40 năm trước đã được họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê gìn giữ, bảo tồn để công chúng hôm nay có dịp hiểu hơn về một di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

Mới đây, công chúng đã có dịp thưởng lãm những tác phẩm quý hiếm này trong triển lãm "Tranh truyện Hàng Trống" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm trưng bày 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh vẽ các tích truyện xưa, có tuổi đời đã hơn 100 năm (từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20). 

Những tác phẩm trưng bày nằm trong bộ sưu tập của họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian Phan Ngọc Khuê. Ông sinh năm 1937, từng nhiều năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. 

Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như "Mỹ thuật dân tộc Thái ở Việt Nam", "Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt Nam", "Tranh dân gian Kim Hoàng", đặc biệt là cuốn sách "Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội" xuất bản năm 2016.

"Tôi may mắn học trường Mỹ thuật, gắn với các loại hình điêu khắc, tranh vẽ của dân tộc. Việc học hỏi, tìm hiểu từ các nghệ nhân dân gian và sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật dân gian là điều không thiếu trong cuộc đời của tôi. Trong mấy chục năm làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đi đến đâu, tôi cũng hỏi bà con có nguồn tranh nào không, có giữ được bức tranh cổ nào không", họa sĩ Phan Ngọc Khuê chia sẻ.

Họa sĩ U90 cùng tranh Hàng Trống “kể chuyện”- Ảnh 1.

Một bức tranh trong bộ "Chiêu Quân cống Hồ"

Nói về những bộ tranh truyện Hàng Trống đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, họa sĩ Phan Ngọc Khuê cho biết, trước đây chúng thuộc sở hữu của bà chủ cửa hiệu tranh Thanh An. 

Vào năm 1980, khi ông tìm đến hiệu tranh của bà cụ hơn 80 tuổi thì được bà chỉ cho những bức tranh truyện Hàng Trống được cất trên gác xép. "Những tranh này không bán được cho ai, cụ cho tôi mang về", họa sĩ Phan Ngọc Khuê nhớ lại.

Những tác phẩm mà họa sĩ Phan Ngọc Khuê mang về từ hiệu tranh Thanh An chỉ là các tờ tranh mỏng, để gìn giữ được lâu dài phải dụng công bồi tranh, bo tranh. Đây là một quá trình mà họa sĩ Phan Ngọc Khuê cùng gia đình mình đã tỉ mỉ thực hiện trong nhiều năm. 

Chị Phan Vân Ánh, con gái của họa sĩ Phan Ngọc Khuê, cho biết, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, chị vẫn nhớ như in thời điểm bố đưa các bộ tranh truyện Đông Hồ về nhà: "Bố tôi nói, đây là bộ tranh vô cùng quý, vô cùng đáng trân trọng. Bố khiến cả gia đình cảm nhận được sự quý hiếm, đặc biệt của bộ tranh này. 

Ba chị em tôi hồi đấy chưa đến 10 tuổi, rất hiếu động, liên tục chơi vẽ tranh, xé giấy… trong khuôn viên hơn 30 mét vuông của căn hộ vừa là nơi sinh hoạt gia đình, vừa là xưởng vẽ tranh của bố, vậy mà 10 bộ tranh này không hề tổn hại tí nào".

Họa sĩ U90 cùng tranh Hàng Trống “kể chuyện”- Ảnh 2.

Chị Phan Vân Ánh, con gái của họa sĩ Phan Ngọc Khuê, cho biết, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, chị vẫn nhớ như in thời điểm bố đưa các bộ tranh truyện Đông Hồ về nhà

Việc bảo tồn những tác phẩm tranh truyện Đông Hồ đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ rất lớn với 4 bước chính: Quấy hồ, bồi tranh, bo tranh, khung tranh. Chỉ riêng công đoạn quấy hồ thôi, đã nói lên được sự kỹ tính của họa sĩ Phan Ngọc Khuê với những bức tranh quý. 

"Thời kỳ tem phiếu, bữa ăn toàn bo bo, gạo mốc nhưng ông đi chợ Đồng Xuân hoặc về quê để tìm cho ra gạo mới, có nhựa để về xay bột quấy hồ. Khi quấy hồ, bếp dầu chỉ để liu riu, quấy tốc độ không thay đổi, quấy suốt nửa ngày để từ nước lõng bõng thành chất keo dính. Ông tính toán, cân đo đong đếm từng ly để hồ không bị mốc khi bồi tranh", con gái họa sĩ kể.

Ở công đoạn bồi tranh, họa sĩ Phan Ngọc Khuê chọn loại giấy dó mịn như lụa. Theo chị Vân Ánh: "Khi lấy hồ quét lên mặt sau của tranh lẫn giấy dó, ông luôn tỉ mỉ đến mức khắc nghiệt, tuân thủ việc quét từ dưới lên, từ trong ra ngoài để giãn hết bức tranh. Chị em tôi bắc ghế đẩu, miết bằng vải mềm để cho giấy dó và tranh được sát với nhau, đẩy hết bọt khí, keo thừa ra ngoài. 

Họa sĩ U90 cùng tranh Hàng Trống “kể chuyện”- Ảnh 3.

Bức tranh trong bộ "Chiêu Quân cống Hồ"

Mỗi lần di chuyển tay phải tính từng mi-li-mét. Lớp đầu tiên se không được ướt quá, cũng không được khô, để tiếp tục bồi lớp thứ hai. Cứ như vậy cả tuần trời mới xong việc bồi một bức tranh. Hay như công đoạn làm khung, ông phải tính toán sao cho để có thể vừa kéo thẳng bức tranh khi treo, vừa có thể cuộn vào dễ dàng để di chuyển. Đến nay, đã hơn 40 năm, mà các bức tranh hoàn toàn không có vết đứt gãy hay vết nhàu nào".

Cũng trong những năm tháng cùng bố tham gia việc bảo tồn tranh, chị Vân Ánh được ngấm nhiều tri thức dân gian. 

"Khi bố làm bức tranh nào là kể chuyện về bức tranh đó, từ tích truyện, những dị bản đến giá trị văn hóa và lịch sử… Tôi đã chứng kiến rất nhiều lần chuyển nhà của gia đình, và 10 bộ tranh truyện Hàng Trống luôn là tài sản mà bố tôi mang theo đầu tiên. Tôi thực sự ngưỡng mộ và biết ơn khối lượng kiến thức khổng lồ của bố, tình yêu văn hóa dân gian mà ông truyền lại cho cả gia đình", chị Phan Vân Ánh nói.

Không chỉ ở phạm vi gia đình, những gì mà nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê sưu tầm, gìn giữ suốt hơn 4 thập kỷ qua đã được ông chia sẻ với công chúng thông qua triển lãm "Tranh truyện Hàng Trống". 

Đặc biệt, ông còn trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh "Chiêu Quân cống Hồ" phục vụ cho công tác trưng bày lâu dài, để có thêm nhiều người được tiếp cận, chiêm ngưỡng di sản quý giá của người xưa.

Triển lãm "Tranh truyện Hàng Trống" diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 18 đến 31/3/2024, trưng bày những tác phẩm được vẽ theo các tích truyện cổ Trung Quốc nhưng quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt như "Chiến quốc", "Tam quốc", "Hán Sở tranh hùng", "Chiêu Quân cống Hồ", "Bát tiên", "Tứ dân"…

Theo họa sĩ Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống được chia thành nhiều loại như tranh thờ, tranh sinh hoạt, thiên nhiên, tranh truyện, tranh Tết… Trong đó, tranh truyện là thể loại còn giữ được rất ít cho đến ngày nay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn