Loài người xuất hiện và phát triển ở khu vực phía đông Địa Trung Hải khoảng 7,2 triệu năm trước. Kết luận này đến từ những phân tích mới về một số hóa thạch vượn người, được các chuyên gia đặt tên là "El Graeco".
Theo đó, các lý thuyết cho rằng con người xuất hiện lần đâu tiên ở châu Phi đã bị mâu thuẫn. Năm 1944, một hàm răng cổ đại được phát hiện ở Pyrgos Vassilissis, Hy Lạp, nhưng khi đó nó không được chú ý nhiều.
Tuy nhiên, sự quan tâm đến hóa thạch, cũng như Pyrgos Vassilissis, một tài sản cũ của hoàng gia ở lục địa Hy Lạp hiện đang tăng lên sau khi công bố thông báo về một khám phá đáng kinh ngạc của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế.
Madelaine Böhme, trưởng dự án từ Trung tâm Tiến hóa Loài người Senckenberg và Đại học Tübingen, và đồng tác giả Nikolai Spassov từ Viện Hàn lâm Khoa học Bulgary, cùng với các đồng nghiệp khác, đã phân tích cả hóa thạch Pyrgos và một chiếc răng tiền hàm khác được phát hiện ở Azmaka, Bulgaria.
Spassov cho biết El Graeco (Graecopithecus) là vượn nhân hình lâu đời nhất được biết đến cho đến nay. Nó già hơn vài trăm nghìn năm so với loài vượn nhân hình lâu đời nhất được tìm thấy ở Châu Phi, Sahelanthropus, được phát hiện ở Chad, có niên đại cách đây 6–7 triệu năm.
Các nhà nhân chủng học sử dụng thuật ngữ vượn nhân hình vì tổ tiên chung cuối cùng của con người và tinh tinh đã giữ lại cả đặc điểm của các loài linh trưởng khác và con người.
Mặc dù El Graeco chỉ được biết đến từ hàm hóa thạch và từ răng hàm nhỏ. Nhưng nhóm các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính để tìm hiểu về cách các đặc điểm tiến hóa thành các dạng giống người hơn và chân răng của các răng hàm bị tiêu giảm đáng kể như thế nào.
Trong khi những loài linh trưởng lớn thường có hai hoặc ba gốc răng riêng biệt và khác nhau, thì những gốc răng của vượn nhân hình Graecopithecus lại hội tụ và hợp nhất một phần, một đặc điểm đặc trưng cho người hiện đại, người sơ khai và một số loài vượn nhân hình, bao gồm cả Ardipithecus và Australopithecus.
Giáo sư David Begun, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết thêm: "Niên đại này cho phép chúng ta đưa ra giả thuyết rằng người-tinh tinh đã chia tách từ khu vực Địa Trung Hải."
Các nhà nghiên cứu tin rằng những thay đổi đáng kể của môi trường có thể đã ảnh hưởng đến sự tiến hóa của người tiền sử.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu các mảnh cực nhỏ của than và các hạt silicat từ thực vật (phytolith), nhằm tái tạo lại khí hậu của thời kỳ đó ở khu vực phía đông Địa Trung Hải và Bắc Phi. "Các phytolith cung cấp bằng chứng cho thấy hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra và phân tích than chỉ ra rằng các vụ cháy thảm thực vật định kỳ đã xảy ra".
Nói tóm lại, các nhà khoa học hiện đang tái tạo lại môi trường sống và các loài động vật đã được phát hiện cùng với Graecopithecus. "Các nhà khoa học đã phân tích sâu hơn về muối, đồng vị của uranium, thorium và chì, được tìm thấy trong các hạt bụi từ sa mạc Sahara, thường được các cơn bão mang đến Địa Trung Hải".
Việc xác định niên đại của các nguyên tố này và phân tích sự lan rộng của chúng cho thấy rằng sa mạc Sahara hình thành từ 7–8 triệu năm trước.
Böhme cho biết: "Sự hình thành ban đầu của một sa mạc ở Bắc Phi, hơn 7 triệu năm trước và sự lan rộng của các thảo nguyên ở Nam Âu có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phân tách con người và tinh tinh". Ngày nay, lý thuyết này được gọi là "Câu chuyện phía Bắc", gợi nhớ đến một giả thuyết được đưa ra bởi nhà nhân chủng học Yves Coppens, người đã phát hiện ra hóa thạch "Lucy" ở châu Phi.
Lý thuyết của Coppens, được gọi là "Câu chuyện phía Đông", tuyên bố rằng vượn người lần đầu tiên tiến hóa thành Great Rift ở Kenya. Khi xem xét các hóa thạch được tìm thấy ở châu Phi, châu Á và châu Âu, cho thấy rằng các loài linh trưởng đầu tiên đến từ châu Á hơn 40 triệu năm trước. Sau đó một số loài đã đến châu Phi và tiến hóa.
Böhme giải thích: Sau nhiều năm tiến hóa, một số loài được gọi là vượn người đã quay trở lại châu Âu và châu Á khoảng 14 triệu năm trước. Nhà nghiên cứu cho biết tổ tiên của El Graeco là vượn người Á-Âu, cũng như Ouraanopithecus từ Hy Lạp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn