Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, cùng với tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đã làm cho hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022 (giảm 1,2% so với dự báo tháng 1/2022).
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng đang diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau, gia tăng bất bình đẳng.
So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II năm 2022 mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động học tin học.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách và đề án cụ thể về đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động cũng như hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Trong bối cảnh đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam" nhằm trao đổi, chia sẻ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học về các nội dung liên quan đến hoàn thiện khung lý thuyết, chính sách, pháp luật về việc làm; thực trạng thực thi chính sách, pháp luật về việc làm tại Việt Nam... Từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Với hơn 50 đề xuất đăng kí viết báo cáo khoa học, tham luận, trải qua quá trình phản biện độc lập và biên tập, 22 bài viết đã được chọn đăng tại Kỷ yếu của Hội thảo. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về Chính sách pháp luật về việc làm và vai trò của Hội LHPN Việt Nam; Quan hệ pháp luật về việc làm - Những vấn đề pháp lý đặt ra…
Chia sẻ về vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong việc hoạch định chính sách việc làm ở Việt Nam hiện nay, ThS Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, việc bảo đảm bình đẳng giới và đặc thù giới tính nữ trong chính sách việc làm chỉ có thể tốt và thực sự tốt khi được Hội LHPN Việt Nam tham gia đầy đủ trong tất cả các hoạt động của quá trình hoạch định sẽ giải quyết tình trạng thực tế và nâng giá trị đóng góp của Hội về bình đẳng giới tốt hơn. Ngoài các vai trò tham gia hoạch định chính sách công bảo đảm bình đẳng giới và đặc thù giới tính nữ, Hội LHPN Việt Nam có thể hoạch định các chính sách tư dựa trên điều kiện nguồn lực thực tế trong khuôn khổ pháp luật và các quy định nền tảng của chính sách công, bao gồm chính sách dạy nghề, hướng dẫn tạo việc làm, chính sách hỗ trợ vốn tạo việc làm, tăng thu nhập… Việc hoạch định cũng cần được thực hiện tương đồng như chu trình hoạch định chính sách công của nhà nước.
Chính sách việc làm của Hội LHPN Việt Nam trong trường hợp này chủ yếu giải quyết khía cạnh đặc thù của phụ nữ, hỗ trợ giải quyết các vấn đề của phụ nữ trong khu vực tự tạo việc làm. Đồng thời, trong xu hướng việc làm bền vững gắn với an sinh xã hội, Hội cũng cần nghiên cứu dưới góc độ thúc đẩy phụ nữ có việc làm ngày càng nhiều hươn trong khu vực có quan hệ lao động.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn