"Cho đến giờ tôi vẫn gắn bó với công việc giáo viên, ngày ngày đứng trên bục giảng gõ đầu trẻ. Nghề giáo là nghề tôi đã chọn và hết mình vì nó. Nhưng tôi còn có một niềm đam mê lớn, một tình yêu dành cho các sản phẩm giấm. Đó cũng là lý do khởi nghiệp của tôi", chị Bạch Kim Ngân (thị trấn Chũ, tỉnh Bắc Giang) tâm sự cùng PNVN.
"Tôi còn nhớ, trong bộ phim Nàng Dae Jang Geum nổi tiếng của Hàn Quôc, người mẹ sau khi bị chết oan uổng đã tìm mọi cách để lại cho người con gái mới sinh lọ giấm chôn trong lòng đất. Trong cuộc thi nấu ăn cho nhà vua, nhờ bí quyết là lọ giấm mẹ để lại mà cô ấy đã giành giải nhất. Tại châu Âu, giấm balsamic của Ý được ủ từ 20 năm trở lên, được coi như một thực phẩm quý, không loại rượu vang nào có thể đắt bằng.
Việt Nam chúng ta có rất nhiều loại trái cây ngon để lên men thành giấm. Khởi nguồn từ một đề tài khoa học vào năm 2013, thương hiệu giấm vải Kim Ngân đã được thành hình. Tôi đã dùng các trái cây: vải thiều, táo mèo, táo xanh, mơ lên men với mật ong để tạo ra sản phẩm giấm Kim Ngân. Càng nghiên cứu về sản phẩm niềm đam mê càng lớn". chị Bạch Kim Ngân kể lại.
Để tạo ra sản phẩm rất khó khăn có những lúc chị Kim Ngân tưởng như không trụ nổi. Ngay từ khi nghiên cứu sản phẩm, chị đã xác định hướng đi là tạo ra sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Chính vì vậy, lúc đầu sản phẩm lắng cặn nhiều do xác giấm lắng xuống. Nhiều cửa hàng đã từ chối vì họ nói là bẩn. Nếu dùng chất tạo lắng sẽ rất dễ dàng, nhưng mình chọn con đường chông gai nên rất khó khăn. Lúc đó, mẫu mã hình ảnh còn chưa bắt mắt.
Song, luôn kiên trì xây dựng thương hiệu bằng chất lượng, qua thời gian rút kinh nghiệm, chị Kim Ngân đã khắc phục được nhiều hạn chế ban đầu. Tới nay giấm Kim Ngân đã bắt đầu ghi được dấu ấn riêng và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng với có 5 dòng sản phẩm: giấm vải thiều mật ong, giấm táo xanh mật ong, giấm táo mèo mật ong, giấm mơ mật ong, giấm tỏi ớt.
Những sản phẩm giấm Kim Ngân made in Vietnam đã liên tục giành được nhiều giải thưởng cao quý như: Huy chương vàng Thực phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng, Cúp vàng Sản phẩm chất lượng ASEAN… Sản phẩm không chỉ được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước, mà đã có mặt tại 15 quốc gia, được đón nhận, đánh giá cao tại nhiều thị trường khó tính như Australia, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Philippines…
Có 4 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, là giấm táo xanh, giấm vải, giấm tỏi ớt và giấm táo mèo, chị Kim Ngân chia sẻ có một vài kinh nghiệm nhỏ.
Đầu tiên, đó là trong quá trình sản xuất, cần chú trọng mọi việc từ nhỏ nhất. Từng bước, từng bước, hoàn thiện dần các thủ tục, đặc biệt là các thủ tục pháp lý phải đầy đủ. Kèm theo đó, hình ảnh sản phẩm mỗi ngày phải một hoàn thiện bắt mắt cả về chất lượng lẫn hình thức.
Chị Kim Ngân luôn kiên trì xây dựng thương hiệu bằng chất lượng
Đồng thời với hoàn thiện giấy tờ, thủ tục pháp lý, cần kiểm soát đầu vào nguyên liệu tạo ra sản phẩm; đẩy mạnh phát triển thị trường trên các kênh bán hàng các hệ thống. Tiếp đó là hoàn thiện website, fanpage giới thiệu sản phẩm.
Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP gồm nhiều mảng, nên cần chú ý làm theo người hướng dẫn, bám sát theo thang điểm hoàn thiện dần từng mục. Chị Kim Ngân chia sẻ thêm.
Khi dịch Covid-19 bùng phát công ty TNHH Ngân Giang cũng như nhiều dianh nghiệp, hợp tác xã khác, không tránh khỏi ảnh hưởng. Tìm cách cố gắng vượt qua; phát triển bán hàng giao tận nơi, giao hàng miễn phí cho khách mua nhiều, tổ chức các chương trình khuyến mại; cắt giảm những chi phí không cần thiết là những biện pháp "bà chủ" thương hiệu giấm Kim Ngân đang thực hiện để vượt qua mùa dịch.
Chị Bạch Kim Ngân là giám đốc công ty TNHH Ngân Giang, với các sản phẩm mang thương hiệu giấm Kim Ngân.
Thông tin liên hệ: http://kimnganvinegar.com/; https://www.facebook.com/giamkimngan
Chị Kim Ngân chia sẻ 4 nguyên tắc "vàng" để khởi nghiệp thành công:
- Khởi đầu nhỏ.
- Tự mình làm.
- Đi trước thời đại.
- Không quan trọng tiền bạc.
* OCOP là gì?
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo định hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường.
* Cách phân hạng OCOP: dựa theo bộ tiêu chí, đánh giá theo thang điểm 100. Sản phẩm OCOP được phân theo 5 hạng sao, gồm:
- 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình, tổng điểm đạt dưới 30.
- 2 sao: sản phẩm đã được hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm.
- 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm.
- 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm.
- 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.
* Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có thời hạn 36 tháng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn