Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ di cư.
Số liệu trong 10 năm qua của Ngôi nhà Bình yên, thuộc CWD, khi cung cấp dịch vụ tham vấn cho 14.000 lượt người về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ, phòng chống bạo lực giới thì có gần 400 vụ việc liên quan đến phòng chống mua bán người và di cư, trong đó 66,2% bị bóc lột tình dục, bị xâm hại tình dục; 13,46 % phụ nữ bị mua bán vì mục đích lao động, đặc biệt, có tới 11,2% vừa bị bóc lột tình dục, vừa bị bóc lột sức lao động.
Vấn đề là khi ở nước ngoài, phụ nữ bị bạo lực/mua bán rất khó nhận được sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng nước sở tại vì không thông thạo ngoại ngữ, không biết gọi cho ai, không biết thủ tục pháp lý thế nào… Vậy khi có 1 cuộc điện thoại cầu cứu từ nạn nhân bị bạo lực/mua bán tại nước ngoài thì các tổng đài viên, các cán bộ hỗ trợ sẽ xử lý theo quy trình nào, thực hiện điều phối và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ ra sao? Sau khi nạn nhân về nước thì hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như thế nào để họ sớm ổn định cuộc sống? Tất cả cần được xây dựng quy trình hướng dẫn chi tiết cho cán bộ hỗ trợ trong việc điều phối, chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán tại nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, khẳng định, những ý kiến góp ý, phản biện, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia sẽ giúp hoàn thiện "Tài liệu hướng dẫn (SOP) về điều phối, chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, buôn bán tại nước ngoài", trở thành cẩm nang hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ đường dây nóng thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, mua bán tại nước ngoài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn