Hoãn xử phúc thẩm vụ án tại FLC do ông Trịnh Văn Quyết vắng mặt

11:53 | 26/12/2024;
Sáng 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án xảy ra ở Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, HĐXX đã cho hoãn phiên tòa vì vắng mặt bị cáo Trịnh Văn Quyết, một số bị cáo, luật sư và nhiều bị hại.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, bản án xác định ông Quyết và đồng phạm có hành vi lừa đảo trong việc phát hành cổ phiếu ROS và thao túng 5 mã chứng khoán họ FLC nên phải nhận bản án tổng hợp 21 năm tù.

Về dân sự, cựu Chủ tịch FLC phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là hơn 1.300 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng.

TAND cấp cao ấn định xét xử phúc thẩm vào hôm nay (26/12) nhưng trước đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có đơn xin hoãn phiên tòa vì tình trạng sức khỏe bản thân không tốt, đồng thời xin có thêm thời gian để các luật sư sao chụp, nghiên cứu hồ sơ. 

Bị cáo cũng gửi thêm bệnh án để tòa phúc thẩm xem xét. Nhiều bị cáo khác cũng vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa. Trong số 134 bị hại kháng cáo thì chỉ 5 người có mặt, 35 người có đơn xin hoãn xét xử.

Đại diện Viện kiểm sát nêu ý kiến, do phiên tòa phúc thẩm mở lần đầu, vắng mặt bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng nhiều bị cáo, luật sư có đơn xin hoãn phiên tòa. Do đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa để các bị cáo có thời gian khắc phục thêm phần thiệt hại của vụ án.

Trước sự vắng mặt của ông Quyết và nhiều bị cáo, HĐXX đã tổ chức biểu quyết công khai. Tất cả các bị cáo có mặt đều giơ tay đồng ý hoãn phiên tòa, phần lớn luật sư cũng đồng ý.

Trong khi đó, các nhà đầu tư có mặt tại tòa với tư cách bị hại khi được chủ tọa hỏi thì trình bày ý kiến thì không đồng ý hoãn phiên tòa.

Trong số 135 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tòa thì chỉ 2 người đồng ý hoãn, còn lại đều đề nghị tiếp tục xét xử. Lý do họ đưa ra là nhà xa, khó sắp xếp thời gian công việc để đi lại.

Trước khi hỏi ý kiến Viện kiểm sát, Chủ tọa phân tích để mở được phiên tọa phúc thẩm, riêng việc đóng dấu, gửi 1.000 công văn, giấy mời đã mất tới 7 ngày làm việc. Chi phí để chuyển giấy mời đến tay mỗi người nhận là 7-12 ngàn đồng/chiếc.

"Đấy là mới nói riêng chi phí rất đơn giản, chưa tính công tác dẫn giải, xin quý vị nhẩm tính giúp, đó đều là tiền ngân sách Nhà nước. Không ai muốn mở ra để hoãn cả, ai cũng muốn xử ngay để tiết kiệm ngân sách, vì không chỉ các vị vất vả sắp xếp thời gian đi lại, mà còn rất tốn kém", chủ tọa nói.

Sau thời gian hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của các bị cáo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn