"Hoàng đế truyện cổ tích" Andersen không có "cổ tích tình yêu"!

18:21 | 18/04/2018;
Chàng xấu tra,i bộ dạng rất khôi hài vì thường mặc trang phục rộng; cá tính lập dị cuồng loạn. Còn nàng từng là một trong những ca sĩ opera xuất sắc nhất đương thời, được mệnh danh “niềm tự hào dân tộc” và “chim họa mi Thụy Điển”. Nàng là tình yêu duy nhất của chàng. Và chàng- Hoàng đế truyện cổ tích- sau này đã viết tặng nàng 3 tác phẩm nổi tiếng: “Bà chúa Tuyết”, “Chim họa mi” và “ Vịt con xấu xí”.
Hans Christian Andersen chào đời tại thành phố nhỏ Odense, Đan Mạch. Hans là cậu bé không được ưa chuộng và chậm tiến. Cậu bị hành xác trong trường học vì lý do chiều cao ngoại cỡ, gầy gò, cái mũi quá dài và mù chữ. Mối quan hệ xấu của bạn học đối với Hans còn chịu tác động bởi ông nội- một thợ điêu khắc gỗ mang tiếng “kẻ điên khùng nhất thành phố”. Mọi người coi những pho tượng nửa hình người, nửa thú vật với đôi cánh của ông nội Hans là những quái thai. 

 

andersen-va-jenny-lind.jpg

 Khởi nghiệp ngoài ý muốn

Năm 1819, Hans Christian Andersen rời thành phố Odense quê hương, tìm đến thủ đô Copenhagen, mang theo hy vọng trở thành diễn viên nhà hát kịch. Song chàng chỉ nhận được vai làm khán giả. Thất vọng, Andersen quyết định khởi nghiệp bằng công việc... viết văn. Trong lĩnh vực này, con người lãng mạn giàu tham vọng gặp nhiều may mắn hơn và thời gian ngắn sau đó giới phê bình văn học địa phương đã bắt đầu viết khá nhiều về tác giả một số kịch bản hài hước, truyện ngắn và thơ của Andersen. 

Rất khó xác định chính xác thời gian Andersen viết truyện cổ tích đầu tiên của mình, song chắc chắn, lúc nhà văn đã trưởng thành và... bất hạnh.

Mối tình đơn phương

Andersen chưa bao giờ gặp may trong mối quan hệ với phụ nữ và ông trở nên hoàn toàn thờ ơ với phái đẹp. Con người lập dị cuồng loạn không chấp nhận phê phán, ăn mặc luộm thuộm, lúc nào cũng tin rằng, các cuộc phiêu lưu tình ái không phải truyện cổ tích của ông. Định kiến đó tồn tại đến năm 1840, khi Andersen quen biết “chim họa mi Thụy Điển”, nữ ca sĩ opera Jenny Lind. Ngày 20/9/1843, trong nhật ký của nhà văn xuất hiện dòng chữ “Anh yêu em!”.

Hans Christian đã yêu, song chàng không đủ can đảm bày tỏ tình yêu của mình với Jenny. Người đẹp rời Đan Mạch sau thời gian biểu diễn, không hề biết có nhà văn viết truyện cổ tích đã si tình. Thời gian sau, Andersen thất vọng gửi tới nàng bức thư với lời tỏ tình. 

Hai người gặp lại nhau năm sau, khi ca sĩ opera thực hiện chương trình biểu diễn mới tại Đan Mạch. Jenny không nhắc gì đến lá thư. Tại Copenhagen, Hans Christian và Jenny ngày nào cũng gặp nhau, song những cuộc gặp này gây cảm giác mệt mỏi cho cả hai. Chàng đắm đuối viết tặng nàng truyện cổ tích và thơ tình. Nàng gọi chàng là “chíp hôi” (cho dù chàng lớn hơn nàng 14 tuổi) và coi chàng như người “anh trai”. 

Trước lễ Giáng sinh, ngày 24/12/1846, vì quan hệ hai người đã khá thân thiết, chàng tin Jenny sẽ mời chàng đến dự đại tiệc do Nhà hát opera của nàng tổ chức. Chàng ngồi cả ngày bên cửa sổ, song không có giấy mời nào được chuyển đến. Sáng ngày 25/12, chàng đến tìm nàng và chất vấn, tại sao hôm qua không mời chàng. “Chim họa mi Thụy Điển” hoàn toàn bị bất ngờ. Nàng đã có thời gian thư giãn tuyệt vời cùng các đồng nghiệp tại đại tiệc và không hề nghĩ đến người “anh trai” của mình. Biết đã vô tình làm tổn thương Andersen, Jenny hứa sẽ mời chàng vào dịp đón năm mới.

Đêm giao thừa, tại phòng riêng khách sạn sang trọng của Jenny, bên cây thông Noel không chỉ có 2, mà 3 người: Andersen, Jenny Lind và bạn gái của nàng. Buổi tối hôm ấy, Jenny hát, cười rất nhiều và trao cho “ông anh thân yêu” những món quà từ ông già Noel. Khi ấy, Andersen ngộ ra, hoàn toàn không có cơ may trông đợi tình yêu đáp lại từ phía nàng. Cho đến cuối đời, đối với Jenny Lind, Andersen chỉ là “ông anh yêu quý”. 

Trọn đời cô đơn

Năm 1852, Jenny lên xe hoa cùng nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Otto Goldschmit. Nàng đã giới thiệu Andersen với chồng mới cưới. Nhà văn nổi tiếng viết truyện cổ tích miễn cưỡng bắt tay chúc họ hạnh phúc và từ giây phút đó, vĩnh viễn không bao giờ gặp lại người yêu dấu.

Andersen yêu Jenny đến những ngày cuối cuộc đời ông. Bước vào tuổi già, nhà văn càng sống lập dị. Phần lớn thời gian trong ngày, “cha đẻ” tuyệt tác “Chú lính chì dũng cảm”, “Cô bé bán diêm” và nhiều truyện cổ tích nổi tiếng khác lang thang trong nhà thổ, song không phải để tìm kiếm khoái lạc thể xác. Đơn giản, nhà văn trò chuyện với “gái bán hoa”, bởi con người thất tình coi đó là hành động khả dĩ trả thù Jenny, người phụ nữ duy nhất ông yêu trọn đời.

Hans Christian Andersen qua đời ngày 5/8/1875 trong sự cô đơn. Jenny Lind sống lâu hơn ông 12 năm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn